Với quy mô khoảng 120 gian hàng, chương trình đã thu hút 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh/thành, địa phương như Lâm Đồng, Nghệ An, Cao Bằng, Hưng Yên, Hà Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Trị, Điện Biên, Tiền Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Kon Tum, Phú Thọ, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... tham gia.
Trong thời gian diễn ra chương trình, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá 1.500 dòng đặc sản vùng miền như nông sản, thực phẩm, đồ uống, nước mắm, trà, rau củ, hoa quả tươi, sấy khô, mật ong, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP… tới người dân Thủ đô và du khách.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình "Tự hào nông sản Việt Nam". Ảnh: Hoài Nam
Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội tổ chức không gian Phiên chợ cuối tuần quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản và làng nghề truyền thống Hà Nội. Tương tự, nhằm góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm mua sắm cho khách tham quan tỉnh Hòa Bình tổ chứ khu gian hàng giới thiệu, quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình.
Bên lề hội chợ ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phầm còn có các hoạt động quảng bá, kết nối, dùng thử sản phẩm, hoạt động trình diễn văn hóa quần chúng và chế biến dùng thử sản phẩm tại chỗ...
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Quốc tế Vạn Long Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, đơn vị mang đến chương trình nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang, trong đó có trà Shan Tuyết cổ thụ đạt tiêu chí OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trà Shan Tuyết đến người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm long nhãn
"Chúng tôi rất mong muốn có nhiều hơn những chương trình nông sản để doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đưa sản phẩm đặc sản tiếp cận thị trường Hà Nội” - ông Nguyễn Xuân Thành nêu rõ. Tương tự, Giám đốc Công ty CP ứng dụng và Giải pháp đa phương toàn cầu Nguyễn Thị Lụa cho biết, hiện doanh nghiệp quản trị trang thương mại điện tử GBAMart. Thông qua chương trình này, doanh nghiệp có thêm cơ hội kết nối, đưa nông sản sạch, sản phẩm OCOP lên trang thương mại điện tử tiêu thụ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang cho biết, Chương trình "Tự hào nông sản Việt Nam" là sự kiện xúc tiến nông nghiệp qua đó đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm mật ong tỉnh Hòa Bình giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Hoài Nam
Đồng thời góp phần kích cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, OCOP của TP Hà Nội và các tỉnh, thành đến người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời kết nối giữa các nhà sản xuất của các tỉnh, thành phố với các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.
“Qua đó tạo điểm nhấn kích cầu mua sắm an toàn trong dịp cuối năm, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- ông Quang nhấn mạnh.
Chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 1/12.
Lê Nam