Người đàn ông 68 tuổi cùng vợ 61 tuổi (ở Hải Dương), nhập viện trong tình trạng sốt trên 39 độ C, vết thương phù nề, sưng tấy và nhiễm trùng ở bàn tay.
Bệnh nhân cho biết trong lúc hai vợ chồng ông cùng đuổi bắt chuột thì bị chuột cắn vào ngón tay, chảy máu. Cả hai nghĩ đơn giản, chỉ rửa tay xà phòng và nhỏ dầu gió vào vết thương.
Vết chuột cắn trên tay người bệnh sau khi được điều trị. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Sau đó 5 ngày, vợ chồng ông cùng có hiện tượng sốt cao, có lúc nằm li bì, mê sảng. Vết chuột cắn sưng tấy, đau nhức. Theo dõi 2 ngày ở nhà không thấy đỡ, hai vợ chồng ông đi khám ở tuyến huyện, được tiêm phòng uốn ván và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, hai bệnh nhân được chẩn đoán bệnh "sốt do chuột cắn", còn gọi là bệnh Sodoku. Sau hơn một tuần điều trị tích cực các dấu hiệu lâm sàng đã cải thiện rõ rệt.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết sốt do chuột cắn là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn mang tên spirillum minus có trong hầu họng của các loài chuột, lây trực tiếp qua vết cắn của chuột.
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần. Các dấu hiệu của bệnh thường là sốt cao, ớn lạnh theo từng chu kỳ và tái phát, đau cơ, đau khớp, đau đầu, viêm họng, viêm hạch, nôn mửa, mệt mỏi, thậm chí mê sảng, hôn mê.
Nếu nhiễm độc nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như viêm màng não, viêm gan, viêm màng phổi, viêm cơ tim, viêm khớp.
PGS Cường khuyến cáo khi bị chuột cắn hoặc cào xước da cần vệ sinh vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút đầu, sau đó rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng, iodine, betadine... và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Tại cơ sở y tế, người bệnh cần được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và có thể tiêm phòng vắc-xin uốn ván và sử dụng liệu pháp kháng sinh trong 5 đến 7 ngày.
D.Thu