Chào bác sĩ, từ năm 2022 đến nay, tôi đã chụp X-quang 5 lần và CT 6 lần. Mới đây tôi đọc thông tin về chụp CT gây nguy cơ ung thư nên rất lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn. (Trần Nguyệt Anh - 31 tuổi, Hà Nội).
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý - Trưởng khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) tư vấn:
CT (chụp cắt lớp vi tính) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết các cấu trúc bên trong cơ thể. Nhờ khả năng quan sát rõ ràng các cơ quan, mô và khối u, CT được dùng phổ biến trong chẩn đoán ung thư, đánh giá giai đoạn bệnh, theo dõi đáp ứng điều trị, phát hiện biến chứng hoặc tái phát.
Nếu bạn hoặc người thân nghi ngờ có khối u, đau bụng chưa rõ nguyên nhân, cần kiểm tra sau điều trị ung thư, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT.
Vì sao chụp CT dễ gây ung thư?
Mức phơi nhiễm bức xạ trung bình hằng năm của người dân trên toàn thế giới là khoảng 2-3 millisievert (mSv) từ môi trường tự nhiên và cả ánh nắng mặt trời. Con số này còn có thể dao động từ 1-13 mSv, tùy theo địa điểm sinh sống.
Trong khi đó, liều bức xạ trong 1 lần chụp CT tương đương với vài tháng tới vài năm tiếp xúc bức xạ tự nhiên.
Theo ước tính từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nguy cơ tăng ung thư trọn đời do 1 lần chụp CT ngực (~7 mSv) là khoảng 1/2.000 - 1/10.000 người, tùy theo tuổi và giới tính.
Trong khi đó, nguy cơ ung thư tự nhiên trong đời người là xấp xỉ 1/3 người, có thể tăng lên do tuổi thọ được kéo dài hơn còn nguy cơ bị tai nạn giao thông trong đời là 1/100. Vì vậy, việc “có nguy cơ” không đồng nghĩa là bạn “sẽ bị ung thư”.
Hiện nay, các bác sĩ thường chỉ định chụp CT khi thấy lợi ích lớn hơn rủi ro. Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng, CT ngực - bụng chụp theo đúng lịch trình giúp phát hiện sớm di căn. Với ung thư phổi, CT ngực liều thấp là phương pháp duy nhất được chứng minh giảm tỷ lệ tử vong ở người có nguy cơ cao như hút nhiều thuốc lá.
Nếu lo sợ tia X và từ chối CT sẽ bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán và điều trị như bỏ sót khối u hoặc tổn thương nguy hiểm; không đánh giá được hiệu quả điều trị; không phát hiện tái phát kịp thời; chậm trễ can thiệp cứu mạng.
Không có phương pháp y khoa nào là an toàn tuyệt đối, từ phẫu thuật, hóa trị, đến thuốc giảm đau đều có nguy cơ và lợi ích.
Chụp CT cũng giống như con dao mổ nếu dùng đúng cách, đúng người, đúng thời điểm thì là công cụ cứu sống. Nếu dùng tràn lan, lạm dụng, không cân nhắc thì mới gây hại. Vì thế, bạn không nên quá hoang mang. Để an toàn hơn, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin từ các bác sĩ, chuyên gia, các nguồn đáng tin cậy.
Phương Thúy