Những cánh thư từ 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội qua những thăm thẳm diệu vợi để đến được Đồn Công an Giới tuyến. Đồn công an vũ trang, đơn vị của anh thời ấy mang phiên hiệu MT… Chị hẹn anh sẽ bố trí kết hợp một chuyến công tác vào Vĩnh Linh.
Anh cùng huyện Quỳnh Lưu với chị. Anh nhà ở Quỳnh Nghĩa. Đơn vị công an vũ trang của anh trú quân ở Quỳnh Phương. Anh làm liên lạc cho Ban chỉ huy đại đội đóng tại nhà ông Chủ tịch xã là bố chị. Chú chàng liên lạc tẩm ngẩm tầm ngầm thế nào mà hớp được hồn cô con gái rượu của ông chủ tịch xã.
Tượng đài Công an vũ trang Giới tuyến
Đùng cái đơn vị anh phải chuyển đi. Tít vô mãi Quảng Trị. Rồi anh nhận nhiệm vụ đặc biệt là khoác ba lô về Đồn 55 làm nhiệm vụ bảo vệ Giới tuyến.
Lấn bấn việc quân cùng bí mật quân sự. Thưa hẳn những lá thư từ hai phía. Anh không biết trong thời gian mình vào Vĩnh Linh, chị đã vào Thanh niên xung phong. Tòa báo Tiền Phong qua nhiều lần thử thách đã nhận cô Thông tín viên mau mắn nhiệt thành ấy ở một đơn vị TNXP về làm việc.
… Theo dấu thư thì anh biết chị đã vào Vĩnh Linh được nửa tháng. Đợi mãi… Sau này mới biết vừa vô, chị đã đã đến Khu Đoàn Vĩnh Linh. Những da diết cách xa thương nhớ chị đã kịp nén lại khi được biết thanh niên dân quân xã Vĩnh Mốc có chuyến chi viện cho bộ đội đóng quân ở đảo Cồn Cỏ bằng thuyền nan. Mà chuyến chi viện sắp nhổ neo. Cô phóng viên trẻ ấy đã xung phong nhập ngay đội vận tải. Dạo ấy còn yên hàn, giặc chưa đánh phá ác liệt Cồn Cỏ. Hơn nửa tháng lênh đênh, cô phóng viên trở vô bờ Vĩnh Linh an toàn. Rồi từ Khu Đoàn cô hồi hộp tìm đường về Đồn Công an Giới tuyến.
Đồn công an Giới tuyến (cũng có người cùng đơn vị đóng quân năm xa ấy ở Quỳnh Phương) đón cô như người nhà. Như cô dâu của đơn vị suốt mấy ngày. Chị được tạo điều kiện để chuyện trò, gặp gỡ, sẻ chia với những người lính bảo vệ giới tuyến. Chị được thấy ở cự ly gần chiếc cầu Hiền Lương sơn hai màu (xanh Bờ Bắc) xám (Bờ Nam). Ngạc nhiên khi nghe cứ sau một thời gian, hai bờ Nam Bắc lại sơn lại với hai màu khác nhau. Cũng như nghe thấy bao thứ ngang trái đôi bờ của con sông Bến Hải rộng chỉ hơn trăm mét này. Lại ngó được những phiên đổi gác của người lính đôi bờ. Được tận mắt ngó lá cờ Tổ Quốc nặng 10 kg cứ 5 giờ sáng lại ngạo nghễ ngự trên đỉnh cột bờ Bắc cao hơn 30 mét. Được nghe nhiều chuyện như huyền thoại về việc giữ cờ, vá cờ… Chuyện đơn vị anh đã dũng cảm cứu người bờ Nam vượt tuyến… Bao nhiêu là nhiệt thành tình cảm đôi lứa cùng tâm trạng của một Đoàn viên TNCS ở ngay tọa độ cắt chia giới tuyến, cô phóng viên trẻ ấy đã hăm hở “xuống bút” khi về lại tòa báo ở 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội.
BBT báo đã nhanh chóng điều chỉnh cho chuẩn mực các cung bậc ấy. Thời ấy phải thế. Có bài báo viết dài phải chế thành những mẩu tin. Nhân vật, tên đơn vị có thành tích trong sản xuất, chiến đấu cải thiện đời sống của các Đồn Công an thì thành những mật danh X.Y. Z.
Lần thứ hai, sau mấy năm trở vô Giới tuyến thăm chồng thì cô phóng viên ấy vẫn cái nhìn đằm thắm tin yêu nhưng tỉnh táo hơn.
Bà Nguyễn Thị Bích Hậu- Má Hậu và Hoa hậu Việt Nam 2004, Nguyễn Thị Huyền
… Những ngày nghỉ, cánh phóng viên độc thân, xa gia đình, những Dương Xuân Nam, Nguyễn Văn Minh (sau này là TBT và Phó TBT Tiền Phong - cả hai vị đã mất), Nguyễn Hoàng Sơn và tôi thường hay kéo đến nhà chị ở khu tập thể Trương Hán Siêu. Để được đằm, hưởng không khí gia đình từ người chị cùng cơ quan lại cùng Ban Kinh tế, vốn mau mắn xởi lởi và khéo tay. Ấm lòng bữa ăn tươi thời bao cấp khốn khó.
Phải, đó là gia đình cô phóng viên trẻ, chị Nguyễn Thị Bích Hậu và người lính Công an vũ trang Trương Hồng Thái năm xa ấy! Người chị đồng nghiệp, từng cùng Ban Kinh tế và phụ trách ban Bạn đọc cùng mối quan hệ thân thương bền chặt với chúng tôi đã gần nửa thế kỷ!
Trong lúc chị Hậu lui cui nấu nướng, lũ chúng tôi, buổi thì quây quanh bàn cờ với anh Thái. Buổi thì nằm khượt nghe chuyện Vĩ tuyến 17.
Chất giọng rủ rỉ lại thêm cái tài nhớ dai của anh khiến các cuộc ngồi cứ dài mãi ra. Thêm nữa cái khoản rượu ngâm thuốc trứ danh của ông lang Thái (sau này anh Thái đi học thêm trở thành bác sĩ công tác ở Bộ Y Tế).
Hồi đó thông tin chưa cởi mở nên chuyện Vĩ tuyến 17 khá là tò mò, hấp dẫn. Cả bọn ngạc nhiên hóa anh Thái từng biết và khá thân với nhà văn Nguyễn Tuân!
Mà chuyện này anh chưa kể. Với cả chị Hậu.
Thời điểm đó Đồn công an Hiền Lương nhận một nhiệm vụ bí mật. Đó là việc bảo vệ “canh chừng” cho một ông nhà văn mà mấy hôm sau mọi người mới biết đó là Nguyễn Tuân.
Nhà văn thì có chi đặc biệt mà phải bảo vệ canh chừng? Nhưng quân lệnh như sơn. Mà lệnh này phát ra từ chính Tư lệnh Quân Khu Bốn, Tướng Đàm Quang Trung. Mãi sau anh Thái mới hay đó là mối quan tâm và tình cảm đặc biệt của Bộ Tư lệnh và các cấp chỉ huy của mình giành cho nhà văn lớn này.
Cái ông nhà văn lớn tuổi dáng đủng đỉnh kiệm lời có kiểu tóc và cái trán không giống ai này được “quyền ưu tiên” thả bước trên cầu Hiền Lương mấy “tua” liền (tất nhiên là đến địa phận ranh giới bờ Nam là phải quay lại). Và cũng hiếm ai được ngồi lì hàng giờ ở một vị trí bờ Bắc ngó sang bờ Nam. Lại được tiếp cận với các phiên đổi gác của lính hai bờ ở cự ly gần… Được gặp chuyện trò với những “đối tượng” mà ít người được gặp! Thời gian đầu, anh Thái và mấy anh em ngỡ vị nhà văn này hình như là người của bên… an ninh (?!). Từ chỗ xa cách giữ ý, hóa ra ông nhà văn này rất tình cảm chuyện trò với anh em khá cởi mở…
Đến đây cũng phải mở thêm một cái ngoặc!
Có lẽ nhờ sự quan tâm “canh chừng” khéo léo tế nhị nên sau những chuyến vào Vĩ tuyến 17 (như cụ Nguyễn nói là vào sông Tuyến) nhà văn đạt hiệu suất lao động khá cao. Tôi tỉ mẩn đếm được 11 bài Nguyễn Tuân viết về đất Quảng Trị, về khu vực Giới tuyến. Và cụ thể có 3 bài ký khá đặc sặc về sông Tuyến - Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương.
Một Nguyễn Tuân thời trước 1945 phăm phăm xe lửa, xe hàng qua cầu Hiền Lương. Rồi một Nguyễn Tuân năm 1960 bất ngờ bị khựng lại. Ông uất ức gọi cầu Hiền Lương là cầu… ma! Bởi cây cầu sinh ra là để giao thương, nhưng không thể qua lại một cách bình thường như ngàn vạn chiếc cầu khác! Trong bài ký của mình, ông đã lặp lại không chỉ một lần về cụm từ “cầu ma”, “cầu giả vờ”, “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”.
Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị chia làm hai màu khiến nhà văn buông một cụm từ rất Nguyễn “trông cũng đã khỉ lắm rồi!”.
Có lẽ nhờ vào “biệt lệ đặc ân” nào đó như đã nói nên nhà văn Nguyễn Tuân mới có dịp đủng đỉnh mà bật ra những chi tiết làm nên những điểm nhấn, điểm “nhỡn” trong tác phẩm của mình. “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm...” (Cầu ma).
Nhưng không phải lần nào mệnh lệnh của cấp trên cũng cụ thể như nhà văn Nguyễn Tuân vào sông Tuyến.
Lần ấy, Đồn Công an lãnh nhiệm vụ tuyệt mật. Cụ thể, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho một… phụ nữ! Tuổi tầm này. Hình dáng đặc điểm… nhận dạng như này…!
Lại nữa, phải hết sức đề phòng việc bắt cóc ám sát.
Nghe nói người phụ nữ này trong vai một nhà báo, một phóng viên.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đơn vị anh Thái đã hoàn thành việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chuyến tham quan đi thực tế ở cầu Hiền Lương của nhà báo nữ ấy hơn một tuần.
Mãi về sau mới biết, người phụ nữ đó là vợ đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn!
… Năm 2006, tại Phú Mỹ Hưng, tôi có cuộc gặp với bà Nga vợ ông Lê Duẩn để thực hiện loạt bài viết “Người vợ miền Nam của TBT Lê Duẩn” Chợt nhớ ra chuyện anh Thái, tôi tò mò hỏi về chuyến bà vào Vĩ tuyến 17 ấy. Bà Nga cười vui vẻ rằng có chuyến đi đó. Nhưng chuyện anh em công an bảo vệ và nghiệp vụ này khác thì bà đâu có biết. Bà bộc bạch rằng chuyến đi ấy được mọi người hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Đó là thời gian bà Nga tập kết ra Bắc, vừa sinh cậu con trai Lê Kiên Thành. Đồng chí Lê Duẩn vẫn đương ở miền Nam. Bà được phân công về công tác ở Báo Phụ Nữ Việt Nam. Ba mẹ con đều trông mong vào suất lương 36 đồng của bà. Cả nhà tá túc trong căn nhà mái lợp tôn rất cực về mùa hè.
Khó khăn vất vả, bà phải tính toán chi ly sít sao thời gian lẫn tài chánh. Khuây khỏa chỉ bằng công việc. Bà xung phong đi nhiều nơi. Và lần ấy đã xin bằng được vào Giới tuyến. Bao cảm xúc dâng trào chuyến đi này. Bà rưng rưng ngó sang bờ Nam. Thấy cảnh đổi gác. Cảnh các mẹ các chị bờ Nam vo gạo giặt giũ… Về Hà Nội, tình cảm ấy bà dồn hết trong bài viết đăng trên báo Phụ Nữ Ở hai bờ Bến Hải được bạn đọc hoan nghênh. Báo nước ngoài đã đăng lại bài viết này.
Cũng được biết thêm, người sĩ quan công an Cầu Hiền Lương Trương Hồng Thái đã chuyển ngành sau thời điểm diễn ra trận chiến âm thanh độc đáo ly kỳ ngày 20/7/1964 Kỷ niệm 10 năm Hiệp định Genever.
Đó là ngày mà Đồn Công an của anh Thái căng mình ra để bảo vệ cho 60 nhạc công của Đoàn Quân nhạc QĐND Việt Nam quân phục trắng trang bị tinh những clarinet, oboa, trompet, kèn cor, trống… dưới sự chỉ huy của thiếu tá Đinh Ngọc Liên đã chơi những bản hành khúc liên tù tì mấy giờ đồng hồ ở phía bờ Bắc sông Hiền Lương. Âm thanh hùng tráng ấy đã phá tan cuộc mít tinh của tướng Nguyễn Chánh Thi tổ chức đại quy mô hơn 1,5 vạn người ở phía bờ Nam.
***
Giải Việt dã Marathon lần thứ 66 của báo Tiền Phong tại Quảng Trị có một sự kiện ấn tượng. Đó là Lễ Thượng cờ Tổ Quốc tại cầu Hiền Lương một thời mang cái tên sông Tuyến Bến Hải.
Trong số người quan chiêm Lễ Thượng cờ, có mặt các em các cháu Hoa hậu và hoa khôi từng tham gia các cuộc thi Hoa hậu. Nhiều người hẳn nhớ chị Nguyễn Thị Bích Hậu - Má Hậu, cựu PV báo Tiền Phong từng được Ban Tổ chức tin tưởng giao việc chăm sóc thí sinh nhiều cuộc thi. Giời thương bà Bích Hậu, cái tên như người năm nay đã quá 90 may mà còn khỏe!
Xuân Ba