Chuyển 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn cấp huyện về cấp xã

Chuyển 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn cấp huyện về cấp xã
một ngày trướcBài gốc
Xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5 Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại tổ 5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được xây dựng sửa đổi một cách căn bản, toàn diện với triết lý, tư duy cải cách, đổi mới thực sự, là căn cứ quan trọng để vận hành hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp cũng như toàn bộ nền công vụ của đất nước.
Theo Bộ trưởng, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính quyền địa phương tập trung 4 vấn đề lớn. Đầu tiên là xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế mô hình chính quyền địa phương 3 cấp hiện hữu. Đây là vấn đề cơ bản và cốt lõi nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hoàng Bích).
Trong đó, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ gồm cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (gồm phường, xã và đặc khu (đối với các huyện đảo).
Hiện nay, trong Hiến pháp vẫn quy định đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Do đó, tại Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi), cơ quan soạn thảo vẫn đưa vào.
Để từ đó, đặt ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể, rạch ròi đối với các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt của đất nước trong tương lai; nhưng vẫn nằm trong tổng thể của chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ trưởng cho biết, việc xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhưng quan trọng nhất vẫn là gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn, hướng tới thực hiện mục tiêu của Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân.
Phân cấp, phân quyền triệt để
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng phân định cụ thể thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng phân cấp và phân quyền triệt để hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp.
Trong đó, chuyển gần như tuyệt đối nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã.
"Có thể nói, nhiệm vụ của cấp xã mới hiện nay rất nặng khi có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã, 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh", Bộ trưởng Trà nói và khẳng định việc phân định này rất rạch ròi.
Mặt khác, trong từng loại hình: Đô thị, nông thôn, đặc khu sẽ tiếp tục được phân loại với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp năng lực của từng loại hình.
Tới đây sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh (Ảnh: Hữu Thắng).
Trong đó, đặc khu ngoài chức năng, nhiệm vụ của cấp xã còn bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn mang tính đặc thù của đặc khu, cùng các cơ chế, chính sách của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành riêng cho khu vực này.
Từ đó, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời, cũng tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở đặc khu.
Bộ trưởng Trà cho biết, hiện nay có tới 170 luật trong số 186 luật chuyên ngành đang quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện.
Khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Trong đó, ngày 9/5 phải hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về việc triển khai nhiệm vụ phân cấp, phân quyền.
Về việc phân loại đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3 để tương ứng với từng điều kiện phát triển, quản trị địa phương.
Về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh theo diện tích tự nhiên, dân số với tối thiểu 55 và tối đa 90. Ở đây phải đạt được cả hai mục tiêu là chất lượng và tinh gọn.
Về việc giao quyền khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng cho biết trong nền hành chính của nước ta thì UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng.
Nếu ủy quyền cho địa phương để Ban Thường vụ, HĐND thực hiện giao quyền sẽ không đảm bảo được sự quản lý, quản trị của hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương.
Vì vậy, quy định này vẫn giữ như hiện hành, khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì HĐND có văn bản trình để Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vấn đề này vừa qua do các địa phương không làm nhanh dẫn đến chưa kịp thời trong việc giao quyền Chủ tịch UBND.
Hoàng Thị Bích
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/chuyen-90-99-nhiem-vu-quyen-han-cap-huyen-ve-cap-xa-204250507172723221.htm