Kỳ cuối: Sự trỗi dậy của ‘không tặc’
Nhân viên an ninh làm thủ tục kiểm tra tại sân bay LAX ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc kiểm tra hành khách bằng máy dò kim loại trước khi lên máy bay phải hàng chục năm nữa mới xuất hiện. Công tác kiểm tra an ninh rất sơ sài, chỉ mở một số hành lý kiểm tra.
Nhóm cướp đã chuẩn bị trước. Chúng buộc súng vào chân bằng dây đen. Tờ China Mail đưa tin một tên giấu đạn trong đế giày khoét rỗng.
Dù Wong cuối cùng khai hết mọi chuyện, nhưng truy tố anh ta không dễ dàng.
Giới chức Bồ Đào Nha ở Macao nói rằng vì máy bay thuộc công ty Anh, nên vụ án phải xử ở Hong Kong. Nhưng giới chức Anh ở Hong Kong lại nói rằng vì tất cả cướp đều là người Trung Quốc nên vụ việc không thuộc thẩm quyền của họ.
Cuối cùng, năm 1951, Wong bị trục xuất khỏi Macao về Trung Quốc đại lục, nơi anh ta chết không lâu sau đó ở tuổi 27. Anh ta chưa bao giờ bị xét xử về tội cướp, giết người hay cướp trên không.
Về phần Hong Kong và Macau, ngành hàng không ở hai nơi này đã phát triển mạnh mẽ trong những thập niên sau đó.
Hong Kong trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới khi nền kinh tế thành phố này phát triển vào cuối thế kỷ 20. Hong Kong vươn lên thành trung tâm tài chính và là cửa ngõ kết nối với Trung Quốc đại lục.
Sân bay Kai Tak không còn đáp ứng được nhu cầu và đã đóng cửa vào năm 1998, được thay thế bằng Sân bay Quốc tế Hong Kong quy mô lớn hơn, hiện thường xuyên được xếp hạng là một trong những sân bay tốt nhất thế giới.
Trong khi đó, Sân bay Quốc tế Macao đi vào hoạt động từ năm 1995. Ngày nay, sân bay này có một khu trưng bày nhỏ về những câu chuyện hàng không quan trọng từng xảy ra tại đây, trong đó bao gồm cả vụ không tặc trên chiếc Miss Macao.
Câu chuyện cướp máy bay giữa Hong Kong và Macao nhanh chóng biến mất khỏi các trang báo. Nhiều người trong ngành hàng không thương mại lúc đó coi đây là sự cố hiếm gặp và không tin rằng hành vi cướp máy bay hay “không tặc” như cách gọi sau này sẽ trở thành điều phổ biến. Cũng có lo ngại rằng đưa tin quá nhiều sẽ khiến hành khách sợ bay.
Khi Mỹ thành lập Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) năm 1958 để quản lý ngành hàng không, luật khi đó không hề nhắc tới phòng ngừa không tặc, cho thấy người ta vẫn chưa xem đây là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng theo các nhà sử học, tình trạng bất ổn xã hội sau đó cùng với việc đi lại bằng máy bay ngày càng rẻ và phổ biến đã làm thay đổi mọi thứ.
Từ năm 1968 đến 1972, ngành hàng không bước vào thời kỳ được gọi là “thời kỳ hoàng kim của không tặc”. Đây là cụm từ do Brendan I. Koerner đặt ra trong cuốn sách “The Skies Belong to Us” (tạm dịch: Bầu trời thuộc về chúng ta).
Ông Porat nói: “Cứ mỗi năm ngày rưỡi lại có một vụ không tặc. Đây là giai đoạn ngành hàng không đang phát triển. Không tặc trở thành mối đe dọa”.
Một số vụ theo đúng mô-típ xảy ra trên Miss Macao, tức là nhóm cướp chiếm máy bay, hạ cánh nơi khác, cướp tài sản rồi bắt giữ hành khách hoặc máy bay đòi tiền chuộc.
Một số vụ không tặc khác lại lấy lý do chính trị, đòi bay đến quốc gia nào đó để xin tị nạn.
Theo tác giả Koerner, không tặc phổ biến đến mức các hãng hàng không phải dự trữ tiền mặt để trả cho nhóm cướp.
Ông William Landes, nhà kinh tế Mỹ và giáo sư danh dự tại Trường Luật Đại học Chicago, ước tính rằng trong “thời kỳ hoàng kim” này, mỗi vụ không tặc khiến ngành hàng không thiệt hại trung bình 219.221 USD mỗi hành khách.
Theo ông Porat, vụ không tặc năm 1968 do các tay súng Palestine thực hiện được giới học giả coi là hành động khủng bố quốc tế đầu tiên thông qua việc chiếm đoạt máy bay.
Ba thành viên Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine đã chiếm chiếc El Al Flight 426 trên hành trình từ Rome đến Israel và chuyển hướng đến Algeria. Những hành khách và phi hành đoàn không phải người Israel được bay sang Pháp, còn 40 nam giới Israel bị giữ 40 ngày và chỉ được thả sau khi đổi lấy tù binh Palestine.
Dù tất cả hành khách trên chuyến El Al 426 đều sống sót, nhưng không tặc đã trở thành vấn đề không thể phớt lờ. Thiệt hại với hãng bay là quá lớn và các lãnh đạo ngành bay cảm thấy chán ngán.
Tác giả Koerner viết: “Đến cuối năm 1972, các tên không tặc trở nên liều lĩnh đến mức coi thường tính mạng con người, khiến các hãng hàng không và chính phủ buộc phải biến mỗi sân bay thành một trạm cảnh sát thu nhỏ”.
Ban đầu hành khách phản đối, nhưng vì có quá nhiều vụ không tặc gây chấn động, nên vấn đề an toàn trở nên cấp thiết. Cuối cùng họ chấp nhận bị kiểm tra bằng máy dò kim loại, soi hành lý và nhiều thủ tục khác. Ông Porat nói: “Giờ chúng ta đã quá quen với việc bị kiểm tra, điều đó thật khó tin”.
Năm 1970, Công ước Liên hợp quốc về ngăn chặn chiếm đoạt máy bay được thông qua tại The Hague. Văn bản gọi các vụ không tặc là “vấn đề nghiêm trọng”, nói rằng “hành vi chiếm đoạt hoặc kiểm soát trái phép máy bay đang bay gây nguy hiểm cho người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không, và làm xói mòn niềm tin của người dân vào an toàn hàng không dân dụng”.
Năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon bổ nhiệm Trung tướng Benjamin O. Davis Jr. làm người chuyên trách chống không tặc đầu tiên và duy nhất của nước này. Ông Davis muốn áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt tại sân bay nhưng gặp phải sự phản đối từ ngành hàng không, vốn lo sợ hành khách sẽ bỏ đi vì thủ tục rườm rà.
Dù vậy, đến năm 1973, Tổng thống Nixon ra quy định bắt buộc kiểm tra bằng máy dò kim loại với tất cả hành khách tại Mỹ và soi X-quang tất cả hành lý. Sự kiện ngày 11/9/2001 và vụ đánh bom bất thành trên chuyến bay từ Paris đến Miami với thuốc nổ giấu trong giày đã khiến các biện pháp kiểm tra an ninh trở nên khắt khe như hiện nay. Không có điều nào trong số các biện pháp an ninh này khiến người ta không đi máy bay nữa như lo sợ của các hãng hàng không vào thời Tổng thống Nixon.
Những gì xảy ra với Miss Macao không phải là trường hợp đơn lẻ. Đó là sự kiện mở đầu cho hàng loạt tai nạn hàng không làm thay đổi cách con người di chuyển bằng máy bay. Trước “thời kỳ hoàng kim của không tặc” hay vụ khủng bố 11/9, một chiếc thủy phi cơ gần như bị quên lãng đã khởi động kỷ nguyên mới của ngành hàng không.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc