Chuyển biến công tác chuyên môn trong trường học với quy định mới dạy-học thêm

Chuyển biến công tác chuyên môn trong trường học với quy định mới dạy-học thêm
3 ngày trướcBài gốc
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa).
Liên quan đến nội dung này, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch dạy thêm học thêm trong nhà trường theo quy định, đảm bảo đáp ứng tối đa nguyện vọng đăng ký của học sinh (theo 3 đối tượng học sinh được tổ chức dạy thêm trong nhà trường).
Cùng với việc quan tâm để không làm ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, thực hiện chương trình môn học của giáo viên, nhà trường đồng thời phân công giáo viên dạy thêm, dạy chính khóa và thực hiện các nhiệm vụ khác bảo đảm hài hòa giữa các giáo viên từng tổ bộ môn, cân đối đủ số tiết theo định mức quy định, phù hợp với điều kiện nhà trường.
Nhiều địa phương (như Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hải Phòng, Bắc Giang, Khánh Hòa...) đã phát động phong trào cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu; khuyến khích giáo viên tình nguyện dạy học miễn phí bổ trợ kiến thức, ôn tập cho các đối tượng học sinh được quy định tại Thông tư 29. Xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo Chương trình GDPT 2018.
Việc rà soát, phân loại trình độ học sinh được thực hiện để có phương án xếp lớp, phân công sắp xếp giáo viên phụ trách theo đối tượng; từ đó, tổ chức ôn tập, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Tổ chức cho học sinh có nhu cầu ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí; không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh tự học buổi 2 để tăng cường năng lực tự học trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên.
Cùng với đó là chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Cụ thể, không ra đề ngoài nội dung chương trình; việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Một số địa phương (như: Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, TP.Huế...) tổ chức kiểm tra theo 3 chung (ra đề chung, kiểm tra thời gian chung, chấm chung). Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh.
Phát huy hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn xây dựng các mô hình tự học, xây dựng các nguồn học liệu số hóa trên các nền tảng giáo dục của địa phương được chú trọng (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình...).
Nhiều địa phương xây dựng các bài giảng trực tuyến ôn tập cho học sinh trên kênh truyền hình của địa phương..., nâng cao năng lực cho giáo viên thông qua các hình thức tập huấn, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, bồi dưỡng thường xuyên. Tăng cường, bổ sung các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động giáo dục STEM/STEAM, thực hành, trải nghiệm; các hoạt động phát triển năng khiếu (nghệ thuật, thể dục thể thao…), rèn luyện kỹ năng sống, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, địa phương, nhà trường cũng quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trường học, thiết bị dạy học và trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy của đội ngũ nhà giáo theo quy định để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá để cung cấp cho cha mẹ học sinh và học sinh về năng lực, sở trường, quá trình học tập của học sinh và trao đổi cách thức hỗ trợ học sinh học tập có hiệu quả.
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; quản lý, theo dõi giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chuyen-bien-cong-tac-chuyen-mon-trong-truong-hoc-voi-quy-dinh-moi-day-hoc-them-post725000.html