Chuyển biến của giới lọc dầu Nhật Bản

Chuyển biến của giới lọc dầu Nhật Bản
6 giờ trướcBài gốc
Một nhà máy lọc dầu ở Nhật Bản. Ảnh RT
Sự thay đổi này phản ánh lo ngại ngày càng gia tăng về an ninh năng lượng, những rủi ro từ chính sách của Mỹ, cùng với chi phí nguyên vật liệu leo thang do lạm phát. Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép lên tính khả thi và lợi nhuận của các dự án năng lượng xanh.
Không chỉ ở Nhật Bản, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp năng lượng từng điều chỉnh danh mục đầu tư để thích nghi với xu thế chuyển đổi năng lượng, nay lại quay về tập trung vào dầu khí – lĩnh vực đang phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn chững lại vì đại dịch Covid-19, mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Ông Tomohide Miyata, Giám đốc điều hành của Eneos Holdings – tập đoàn lọc dầu lớn nhất Nhật Bản – nhận định tại một cuộc họp báo trong tuần này: “Xu hướng tiến tới một xã hội trung hòa carbon đang chững lại. Quá trình chuyển dịch năng lượng, vốn được kỳ vọng sẽ tăng tốc vào khoảng năm 2030, nay có thể sẽ bị trì hoãn”.
Theo ông Miyata, Eneos hiện vẫn chưa mặn mà với việc cung cấp hydro và amoniac, do chi phí tăng cao khiến các khoản đầu tư vào lĩnh vực này trở nên kém hiệu quả.
Trong chiến lược kinh doanh 3 năm mới, kéo dài đến tháng 3/2028, Eneos đã chính thức gỡ bỏ mục tiêu từng đặt ra là cung cấp 4 triệu tấn hydro mỗi năm vào năm tài khóa 2040.
Năng lượng ổn định, giá hợp lý trở thành ưu tiên khi chi phí khử carbon tăng cao
Trong bối cảnh chi phí triển khai các công nghệ khử carbon ngày càng tăng, nhu cầu về các nguồn năng lượng ổn định và có giá cả phải chăng – bao gồm cả dầu mỏ – đang trở nên quan trọng hơn, theo nhận định của ông Miyata. Ông cho biết Idemitsu Kosan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), một nguồn năng lượng được xem là cầu nối giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng sạch.
Idemitsu Kosan – tập đoàn lọc dầu lớn thứ hai của Nhật Bản – vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch đầu tư vào các dự án khử carbon. Theo Chủ tịch Noriaki Sakai, ngân sách dành cho các sáng kiến như hydro, amoniac và nhiên liệu tổng hợp sẽ được cắt giảm từ 1.000 tỷ yên (tương đương 6,9 tỷ USD) xuống còn khoảng 800 tỷ yên trong giai đoạn từ năm tài khóa 2023 đến 2030.
“Chúng tôi nhận thấy tốc độ tiến tới mục tiêu khử carbon đang chững lại. Vì vậy, cần một cách tiếp cận linh hoạt hơn, cả về lộ trình và thời gian, để có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050”, ông Sakai chia sẻ.
Đà chững lại của các giải pháp năng lượng carbon thấp đã được quan sát ở nhiều nơi trên thế giới, lãnh đạo ngành dầu khí Nhật Bản cũng đề cập tới tình trạng này.
Trước đó vào tháng 2, tập đoàn năng lượng BP của Anh cũng đã điều chỉnh chiến lược, giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp, đồng thời tăng chi tiêu cho mảng dầu khí. Tập đoàn Equinor của Na Uy thậm chí còn tuyên bố hủy bỏ mục tiêu đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp vào năm 2030.
Tại hội nghị năng lượng thường niên diễn ra tại Houston hồi tháng 3, nhiều lãnh đạo trong ngành đều thống nhất rằng thế giới cần điều chỉnh quan điểm, từ “chuyển dịch năng lượng” sang “bổ sung năng lượng”, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai ít carbon.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chuyen-bien-cua-gioi-loc-dau-nhat-ban-727607.html