Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, trong quý I/2025, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 10.038 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số lỗi vi phạm được xử lý quyết liệt như: Vi phạm nồng độ cồn: 884 trường hợp (giảm 34,5% so với cùng kỳ); vi phạm tốc độ: 3.002 trường hợp (tăng 47,9%); không đội mũ bảo hiểm: 777 trường hợp; chở quá số người quy định: 240 trường hợp; đi sai phần đường, làn đường: 131 trường hợp; vi phạm ma túy: 68 trường hợp.
Các con số cho thấy, dù tổng số vi phạm bị xử lý tăng lên, nhưng nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng như sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện có chiều hướng giảm rõ rệt. Điều này không đến từ sự tình cờ, mà là kết quả từ việc siết chặt xử lý kết hợp tuyên truyền, đặc biệt trong bối cảnh mức phạt theo Nghị định 168 được nâng cao, có tính răn đe mạnh mẽ hơn trước.
Số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm theo cả 3 tiêu chí
Tại huyện vùng cao Nậm Pồ nơi có địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa đồng đều, tình trạng vi phạm giao thông trước đây diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp những hình ảnh “đội đầu trần”, “xe máy chở ba, chở bốn”, “uống rượu say vẫn lái xe” trên các tuyến đường nông thôn.
Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168, tình hình đã có sự thay đổi rõ rệt. Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2 - phụ trách địa bàn huyện Nậm Pồ cho biết: “Việc nâng mức xử phạt đã tác động trực tiếp đến hành vi của người dân, đặc biệt là người dân vùng cao. Trước kia họ xem nhẹ việc vi phạm luật giao thông vì nghĩ chỉ bị nhắc nhở hoặc phạt nhẹ. Giờ đây, với mức xử phạt cao, có trường hợp lên tới hàng chục triệu đồng, người dân đã bắt đầu tự điều chỉnh hành vi để tránh bị phạt".
Theo Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng, một số lỗi vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trong bản, hay chở quá số người trên xe máy đã giảm hẳn. Thậm chí, tại nhiều bản, người dân chủ động nhắc nhở nhau khi thấy người thân, hàng xóm có dấu hiệu vi phạm. Có người còn chia sẻ thật: Ngày trước nghĩ mũ bảo hiểm không cần thiết vì chỉ đi đường trong bản. Giờ phạt nặng, lại sợ bị tai nạn nên đi đâu cũng đội mũ. Uống rượu xong, không ai dám điều khiển xe nữa”.
Cán bộ CSGT hướng dẫn người dân sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách
Dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, lực lượng chức năng vẫn đối mặt không ít khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Một trong những vấn đề nổi cộm là người vi phạm không đủ khả năng tài chính để nộp phạt. “Nhiều người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vi phạm xong biết lỗi nhưng không có tiền nộp phạt. Điều này gây khó khăn trong xử lý hành chính, buộc chúng tôi phải tìm cách tuyên truyền kỹ hơn, giải thích rõ hơn về hậu quả của vi phạm để người dân chủ động chấp hành” - Thiếu tá Nguyễn Sơn Tùng cho hay.
Không chỉ lực lượng chức năng, chính người dân địa phương cũng cảm nhận được sự thay đổi trong cộng đồng từ khi Nghị định 168 được áp dụng. Anh Lò Văn Páo (xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ) chia sẻ, trước đây anh thường xuyên điều khiển xe máy đi nương hoặc sang xã bên mà không đội mũ bảo hiểm vì cho rằng “đường ngắn, quen đường rồi thì không sao”. Anh kể: “Nhiều lần thấy cán bộ giao thông đứng chốt kiểm tra, mình né đường khác đi. Nhưng từ đầu năm đến nay, mức phạt tăng nhiều, có người trong bản bị phạt mấy triệu vì không đội mũ, mình cũng thấy sợ". Không chỉ bản thân thay đổi, anh Páo còn chủ động nhắc nhở vợ con và hàng xóm. “Giờ đi đâu cũng đội mũ, kể cả chỉ chạy ra Trạm Y tế xã ngay gần nhà, hay sang bản bên mua đồ. Mình không muốn mất tiền, và quan trọng là an toàn cho cả nhà".
Thực tế, còn nhiều người dân tại vùng cao vẫn chủ quan, chưa có ý thức chấp hành đúng theo quy định
Đội CSGT số 2 đã chủ động đổi mới phương thức tuyên truyền như phát tờ rơi, dùng loa kéo đến từng bản, phối hợp với chính quyền xã tổ chức buổi tuyên truyền tại trường học, điểm dân cư đông người. Nhờ vậy, dần dần người dân không chỉ sợ bị phạt, mà hiểu được lý do phải tuân thủ luật giao thông, vì chính sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
Theo đánh giá sơ bộ, trong quý I/2025, số vụ tai nạn giao thông tại Điện Biên đã giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương. Đây là kết quả trực tiếp của việc triển khai đồng bộ các biện pháp: Xử phạt nghiêm - kiểm soát chặt - tuyên truyền sâu rộng.
CSGT yêu cầu lái xe thổi nồng độ cồn.
Thời gian tới, lực lượng CSGT tỉnh tiếp tục duy trì tuần tra kiểm soát thường xuyên, kết hợp ứng dụng công nghệ trong giám sát, đồng thời mở rộng tuyên truyền đến các nhóm đối tượng đặc thù như học sinh, người dân tộc thiểu số, người lao động vùng cao.
Sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168 có thể thấy chuyển biến rõ nét nhất chính là ở nhận thức của người dân. Từ việc xem nhẹ luật lệ, nay họ đã biết sợ, biết tự điều chỉnh hành vi - đó là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa giao thông an toàn và bền vững, không chỉ ở thành thị mà cả vùng sâu, vùng xa như Nậm Pồ nói riêng và các huyện trên địa bàn tỉnh nói chung.
Thu Thảo