Chuyển biến tích cực từ hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Chuyển biến tích cực từ hoạt động giáo dục nghề nghiệp
3 giờ trướcBài gốc
Sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh tạo cơ hội cho học sinh, người lao động có cơ hội tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) từ năm 2020 đến tháng 8/2024, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 85.087 học sinh, sinh viên, học viên, tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 95%.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thứ 4 từ trái sang) trao Giấy khen cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở GDNN được đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy và học hệ trung cấp, cao đẳng, liên thông theo quy định. Toàn tỉnh có 29 cơ sở GDNN gồm công lập, ngoài công lập tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Các cơ sở GDNN thường xuyên cập nhật các chương trình, giáo trình, nghiên cứu đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các ngành nghề chất lượng cao. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học, các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ quản lý nhà giáo, thợ lành nghề nghệ nhân tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; giai đoạn 2020 - 2024 đã tổ chức bồi dưỡng cho 2.117 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý, trong đó có 70 người là cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp để cung cấp thêm kiến thức kỹ năng hỗ trợ phục vụ giảng dạy, truyền nghề đạt hiệu quả hơn.
Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH triển khai đến các cơ sở GDNN, doanh nghiệp về rà soát, đánh giá chất lượng và đề xuất xây dựng, chỉnh sửa chương trình và biên soạn giáo trình đào tạo, giai đoạn 2020 - 2024 đã thực hiện chỉnh sửa, xây dựng mới các chương trình, giáo trình đào tạo; cập nhật các chương trình giảng dạy mới phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo tại các cơ sở GDNN, giúp người học có điều kiện tự tạo việc làm, cơ hội việc làm khi tham gia thị trường lao động. Tại Trường Trung cấp Tháp Mười và Trung cấp Hồng Ngự, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, liên kết với doanh nghiệp, trong đó có đào tạo nghề theo yêu cầu và đặt hàng với Tập đoàn Đại Dũng; hợp tác đào tạo nghề tiếng Nhật và phối hợp tuyển sinh tư vấn làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với Tập đoàn Sen Đại Dương... Nhiều học sinh được doanh nghiệp cam kết tuyển dụng sau khi kết thúc thời gian thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đạt trên 95%, với mức thu nhập tốt, góp phần cải thiện đời sống gia đình, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cùng với các chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, liên thông, các cơ sở GDNN thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với đa dạng các ngành, nghề như: đan lục bình, giỏ xách, kỹ thuật chăm sóc móng, tóc, trang điểm, sửa kiểng bonsai... Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm đạt khoảng 86%; riêng các lớp đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp tỷ lệ người lao động có việc làm là 100%.
Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH, phối hợp các cơ sở GDNN đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo GDNN; khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, người có kỹ năng nghề giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Bên cạnh đó, chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu tuyển dụng; tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động học sinh, người lao động tham gia học nghề, tìm việc làm. Quan tâm xem xét hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình trao học bổng, phương tiện đi lại trong thời gian học, rèn luyện, đào tạo các kỹ năng giúp học sinh, sinh viên tự tin dự phỏng vấn với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
P.L
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/xa-hoi/chuyen-bien-tich-cuc-tu-hoat-dong-giao-duc-nghe-nghiep-126825.aspx