Chuyển biến trong phòng, chống bạo lực gia đình

Chuyển biến trong phòng, chống bạo lực gia đình
4 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác gia đình. Với sự quan tâm từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng, tỉnh đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động nhằm phát triển gia đình bền vững, phòng chống BLGĐ và nâng cao đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) tổ chức hội thi tuyên truyền kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em năm 2024.
Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình phòng, chống BLGĐ đến năm 2025. Theo đó, các sở, ban, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình truyền thông và chiến dịch nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong xã hội. Các phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo nền tảng cho gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội.
Trong năm 2024, công tác gia đình đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Các chương trình giao lưu văn hóa, chiếu phim lưu động, hội thảo, tọa đàm được tổ chức thường xuyên. Tỉnh cũng duy trì hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực tại cộng đồng.
Đến nay, tỉnh duy trì 170 mô hình phòng, chống BLGĐ, 1.488 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.365 nhóm phòng, chống BLGĐ, 827 địa chỉ tin cậy và 158 đường dây nóng tại các địa phương. Toàn tỉnh phát hiện 26 vụ BLGĐ, trong đó có 10 vụ bạo lực tinh thần và 16 vụ bạo lực thân thể, 78,1% nạn nhân là nữ. Ngoài ra, công tác tư vấn tâm lý, chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân cũng được chú trọng, với 17 trường hợp được tư vấn và 16 trường hợp được chăm sóc, hỗ trợ khi bị bạo lực.
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tích cực mở rộng các mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng quản lý gia đình và ứng phó với bạo lực. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tổ chức các chương trình, hoạt động giúp gia đình tham gia vào các hoạt động xã hội, tăng cường mối quan hệ gia đình - cộng đồng và xây dựng nếp sống văn hóa tại cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh nhằm đảm bảo các quy định pháp luật về phòng, chống BLGĐ thực thi nghiêm túc. Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành tạo nền tảng vững chắc cho công tác gia đình, đặc biệt trong phòng ngừa và ứng phó các tình trạng bạo lực.
UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ được tổ chức, tạo nền tảng văn hóa gắn kết và xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế như: thiếu kinh phí, cán bộ thiếu kinh nghiệm. Để khắc phục, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, tiếp tục phối hợp với các cơ quan để nâng cao năng lực thực hiện. Qua việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động, công tác phòng, chống BLGĐ góp phần tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, tạo nền tảng vững chắc để phát triển xã hội lành mạnh trong giai đoạn mới.
Hồng Duyên
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/274/195625/chuyen-bien-tr111ng-phong,-chong-bao-luc-gia-dinh.htm