Chuyện 'chữa lành' ở môi trường đại học

Chuyện 'chữa lành' ở môi trường đại học
4 giờ trướcBài gốc
(KTSG) – Từ khóa “chữa lành” đã trở thành từ cửa miệng của giới trẻ Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đã đến lúc câu chuyện này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Ngắt kết nối, hạn chế việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội cũng là một cách tự “chữa lành”. Trong ảnh: Một sinh viên tranh thủ giờ nghỉ để móc len ở sân trường đại học. Ảnh: N.K
Áp lực học tập, thói quen sinh hoạt không hợp lý và những vấn đề xoay quanh các mối quan hệ cá nhân hàng ngày khiến nhiều sinh viên rơi vào trạng thái thường xuyên mệt mỏi, buồn chán. Điều này làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề tâm lý như stress (căng thẳng), rối loạn lo âu và thậm chí là trầm cảm. Từ khóa “chữa lành” theo đó cũng tạo ra một trào lưu trong xã hội, trong đó có trường đại học, hàm ý để chữa trị những tổn thương cho người gặp các vấn đề tâm lý nói trên nhưng các diễn tiến trên thực tế lại theo hướng tiêu cực hơn là để điều trị một cách nghiêm túc.
Khi nào ta cần được “chữa lành”?
Kết quả nghiên cứu của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc) tại Việt Nam cho thấy khoảng 15-30% số thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, về thực trạng sức khỏe tinh thần của hơn 8.000 sinh viên thuộc hệ thống này cho thấy vấn đề trầm cảm và lo âu của sinh viên đang ở mức cao.
Sống thật với bản thân, chân thành với chính con người và khả năng của mình. Dù điều này không phải là dễ dàng nhưng đó là con đường dẫn đến sự thanh thản và bình an trong tâm hồn.
TS.BS. Phạm Minh Triết
Tại buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần” dành cho sinh viên tại Đại học Kinh tế TPHCM do Phòng Chăm sóc và Hỗ trợ người học (DSA) tổ chức, TS.BS. Phạm Minh Triết – làm việc ở trường Nghiên cứu Tâm lý, Đại học Quốc gia Úc; nguyên Trưởng khoa Tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM – cho rằng sinh viên là đối tượng có cuộc sống lao động trí óc căng thẳng và phải đối mặt với nhiều áp lực như thi cử, áp lực đồng trang lứa…
Ngoài ra, những mâu thuẫn, rắc rối với các mối quan hệ xung quanh cũng có thể là tác nhân góp phần hình thành nên “vết thương” tâm lý ở đối tượng này. Ông đã khuyên sinh viên hãy sống thật với bản thân, chân thành với chính con người và khả năng của mình. Dù điều này không phải là dễ dàng nhưng đó là con đường dẫn đến sự thanh thản và bình an trong tâm hồn.
Có thể tự nhận diện được bệnh lý
Sinh viên có thể tự nhận diện được vấn đề tâm lý mình đang gặp có phải là bệnh lý cần được điều trị hay không thông qua biểu hiện và các tác động của vấn đề đó đối với việc học và cuộc sống hàng ngày.
“Nếu tình trạng căng thẳng xuất hiện nhưng không liên tục và ta có thể tự vượt qua được thì tự động cơ thể sẽ có cơ chế hồi phục. Tình huống thứ hai, nếu biểu hiện căng thẳng, mệt mỏi và buồn chán kéo dài, sinh viên đã áp dụng một số kỹ thuật cơ bản như tâm sự, trò chuyện với người thân, thư giãn cơ, vận động, tập thở… mà vẫn không có biến chuyển tốt thì sinh viên nên đến gặp chuyên gia”, bác sĩ Triết khuyên.
Trầm cảm cũng là một trong những vấn đề tâm lý ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tinh thần lẫn thể chất của sinh viên. Bác sĩ Triết chỉ ra những yếu tố gây bệnh trầm cảm bao gồm: sinh học, tâm lý và trải nghiệm cá nhân. Hiện có hai hướng điều trị trầm cảm, đó là sử dụng thuốc và can thiệp không thuốc. Đối với trường hợp sử dụng thuốc, bệnh nhân cần uống thuốc trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng. Tuy nhiên bệnh có thể tái phát trong nhiều năm. Trong trường hợp can thiệp không thuốc, bệnh nhân cần được tham vấn và điều trị tâm lý trong nhiều buổi với chuyên gia.
Ngắt kết nối để “chữa lành” đúng cách!
Chữa lành, theo bác sĩ Triết, cần phải thực hiện thường xuyên nhưng thường xuyên ở đây không phải là đi du lịch thường xuyên theo cách mà các bạn hiểu, mà là thường xuyên có những thói quen lành mạnh, thực hành chánh niệm và đặc biệt là ngắt kết nối, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội.
Nhớ lại giai đoạn dịch Covid-19, bác sĩ Triết kể ông đã tham gia hỗ trợ tư vấn cho những bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm và nhận thấy rằng, một trong những tác nhân lớn gây ra các vấn đề tâm lý cho người bệnh là thói quen lướt mạng xã hội thường xuyên và tiếp nhận những thông tin tiêu cực.
“Sự phát triển của các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội khiến cho các bạn sinh viên tiếp nhận thông tin rất nhanh và dồn dập. Khi các bạn tiếp xúc quá nhiều với các dạng video như vậy rất dễ khiến cho bộ não nhận thức lệch về một vấn đề nào đó và không thể nhìn nhận rõ bức tranh tổng thể. Đặc biệt, nếu cọ sát với lượng thông tin tiêu cực liên tục như vậy thì các bạn có thể sẽ nhìn nhận xã hội một cách tiêu cực và từ đó tạo thành thói quen, suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn”, bác sĩ Triết nói.
Một nghiên cứu của GS.BS. Tâm thần học David Rosenberg đăng tải trên The Conversation.com(*) cũng đã chỉ ra rằng phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ là yếu tố nguy hiểm nhất trong số những yếu tố gây ra các vấn đề tâm lý. Việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ có xu hướng gây ra các tương tác xã hội kém và gia tăng cảm giác bị cô lập.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nghiện điện thoại di động, cũng như sử dụng điện thoại thông minh quá mức, có liên quan đến việc gia tăng rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và căng thẳng nói chung.
Ngoài việc hạn chế sử dụng mạng xã hội, sinh viên có thể áp dụng nhiều phương pháp thư giãn tinh thần, như trò chuyện với người thân, bạn bè khi gặp các vấn đề về cảm xúc. Đồng thời, cần ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, đặc biệt nên có những khoảng thời gian cho việc nghỉ ngơi hoàn toàn cho bản thân để thưởng thức và cân bằng những vấn đề trong cuộc sống.
VietNamNet dẫn số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho thấy có đến 13,8% thanh thiếu niên đến khám sức khỏe tâm thần bị trầm cảm. Hơn 90% trong đó là học sinh có học lực khá, giỏi.
Áp lực học tập sẽ gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng về trí não và thể chất có thể gặp của học sinh, sinh viên. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến áp lực học tập là chương trình học dày đặc lịch học, lịch thi cử khiến các bạn không có thời gian nghỉ ngơi hay hoạt động thể chất. Ngoài ra các bạn trẻ còn bị áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, điểm số thi đua, xếp hạng… Áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về thể chất và cảm xúc. Ngoài ra, hiện nay tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có thể một phần vì áp lực từ học tập, bài vở, và những thói quen sinh hoạt xấu.
Một số dấu hiệu nhận biết áp lực học tập: Mệt mỏi và căng thẳng liên tục; suy giảm sức khỏe; thay đổi cảm xúc và hành vi; tâm lý sợ thua kém bạn bè.
N.Q
(*) David Rosenberg (2018). 1 in 5 college students have anxiety or depression. Here’s why. https://theconversation.com/1-in-5-college-students-have-anxiety-or-depression-heres-why-90440
Trúc Nhã
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/chuyen-chua-lanh-o-moi-truong-dai-hoc/