Chuyện của những thương, bệnh binh ở Ba Sao - Ninh Bình: Dấu chân người lính còn in mãi

Chuyện của những thương, bệnh binh ở Ba Sao - Ninh Bình: Dấu chân người lính còn in mãi
6 giờ trướcBài gốc
Về thăm Ba Sao, Ninh Bình: Lặng lẽ những bản hùng ca từ ký ức
Có những vết thương đã lành trên da thịt, nhưng vẫn rỉ máu trong ký ức. Có những con người, dù không còn lành lặn, vẫn chưa từng gục ngã trong tâm hồn.
Ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, nơi được gọi là "mái nhà" của hơn 100 người lính năm xưa, trong không gian lặng lẽ nhưng đầy ắp tiếng thì thầm của lòng tri ân. Mỗi con người là một câu chuyện chưa kể hết. Mỗi ánh nhìn, một nỗi nhớ và mỗi vết sẹo là một dấu lặng thiêng liêng trong bản hùng ca của dân tộc.
Trong một chiều cuối tháng 7, chúng tôi tìm về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng ở phường Ba Sao, tỉnh Ninh Bình. Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Chu Trung Dũng, Phó giám đốc trung tâm, người gắn bó với nơi này 34 năm, chia sẻ: hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 106 đối tượng của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra. Trong đó, có 72 thương, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất sức từ 81% trở lên, với đặc điểm mắc bệnh tâm thần mãn tính do vết thương chiến tranh chủ yếu là kháng chiến chống Mỹ...
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng ở phường Ba Sao, tỉnh Ninh Bình - (ảnh Nhật Tân).
"Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, nhưng những thương bệnh binh ở đây vẫn hằng ngày phải chiến đấu với bệnh tật và di chứng từ bom đạn. Những ký ức đôi lúc hiện về khiến họ trở nên điên loạn, có người la hét, hô to như đang chiến đấu, có người ngồi bất động, người thì đột ngột chào cờ và hát quốc ca..." - bác sĩ Dũng kể với PV.
Theo quan sát của PV, những thương bệnh binh đang điều trị ở đây, có người đôi lúc còn tỉnh táo, còn nhớ được gia đình, người thân. Thế nhưng nhiều người trong số họ không thể nhớ nổi mình là ai, tại sao lại đến nơi này và đã sống ở đây bao lâu. Có những người đã dâng hiến cả tuổi xuân để đánh đổi lấy hòa bình, khi vào đây điều trị họ chưa kịp có một mảnh tình vắt vai, cũng có người quên cả lối về.
Mái nhà của những người lính không gục ngã
Ông Đào Xuân Hội, một thương binh hạng 1/4, tâm sự: "Tôi từng tham gia chiến đấu ở Quảng Nam - Đà Nẵng, bị thương năm 1974, đến năm 1978 thì về trung tâm. Tôi còn may mắn vì tinh thần còn tỉnh táo, còn những đồng đội đang ở trung tâm nhìn họ thật sự xót xa".
Ông Đào Xuân Hội chia sẻ với PV về những ký ức thời xưa - (ảnh Nhật Tân).
Tương tự, ông Trịnh Quang Trung (SN 1948, quê Hà Nội), người đã điều trị bệnh tạm ổn định cho biết, ông nhập ngũ từ năm 1968, từng chiến đấu ở nhiều mặt trận ác liệt và bị thương nhiều lần, nhưng nặng nhất là vào năm 1974, khi bị một mảnh pháo nhỏ găm vào đầu, từ đó rơi vào cơn rối loạn.
"Vết thương ấy đã loại tôi ra khỏi chiến trường. Từ đó, tôi bắt đầu rơi vào những cơn rối loạn tâm thần, năm 1976 tôi được đưa vào trung tâm để được chăm sóc, điều trị. Có thời điểm suốt 4 tháng liền lên cơn liên tục, ngày tới 2-3 lần, không kiểm soát được mình. Suốt thời gian đó, phải trói tay tôi lại. Sau nhiều năm duy trì thuốc thang, bệnh đã tạm ổn định nhưng đầu vẫn đau âm ỉ suốt ngày, khi thay đổi thời tiết rất dễ phát hỏa" - ông Trung kể.
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng nơi được gọi là "mái nhà" của hơn 100 người lính năm xưa - (ảnh Nhật Tân).
Theo chia sẻ từ trung tâm, ngoài những thương, bệnh binh trên còn có ông Vũ Hữu Tỵ (quê Ninh Bình) từng là chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Ông nhập ngũ năm 1968, đến năm 1971 thì bị thương do sức ép của bom mìn, tỉ lệ thương tật 81%. Sau khi bị thương, ông cũng trải qua thời gian dài tâm trí bị rối loạn. Mỗi lần lên cơn, ông lại đập phá, đánh đuổi những người xung quanh vì tưởng đó là quân địch. Sau nhiều năm giằng xé với vết thương trong tâm trí, mới đây, ông Tỵ phát hiện thêm bệnh ung thư phổi.
Ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, những thương, bệnh binh nơi đây dù cơ thể không còn được như người khỏe mạnh bình thường nhưng tinh thần người lính vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều người trong số họ đã kiên cường vượt qua di chứng của chiến tranh, phục hồi được phần nào trí nhớ và nhận thức.
Ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng những thương, bệnh binh nơi đây được chăm sóc tận tình, đặc biệt - (ảnh Nhật Tân).
Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những bệnh nhân bị tâm thần còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều... Để làm được điều đó, đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý nơi đây ngoài trách nhiệm còn có sự kính trọng, nhẫn nại, lòng biết ơn mới phần nào xoa dịu vết thương mà chiến tranh để lại trên thân thể những người lính năm xưa...
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả vẫn còn hiện hữu trên cơ thể và trong trái tim những người lính già. Giữa thời bình, họ vẫn là những "chiến sĩ" kiên cường đối mặt với sự tàn phá của bệnh tật, già nua và ký ức. Họ không đòi hỏi, không oán thán, chỉ mong những thế hệ sau hiểu được giá trị của hòa bình và sống xứng đáng với những hy sinh lặng thầm.
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng không chỉ là nơi chăm sóc, mà còn là biểu tượng sống động của lòng biết ơn, của những trái tim chưa bao giờ lùi bước.
Nhật Tân
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-cua-nhung-thuong-benh-binh-o-ba-sao-ninh-binh-dau-chan-nguoi-linh-con-in-mai-17225072711220285.htm