Chuyện cựu sĩ quan tình báo Mỹ 'đi gặp lại bạn cũ, người bạn vĩ đại' - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuyện cựu sĩ quan tình báo Mỹ 'đi gặp lại bạn cũ, người bạn vĩ đại' - Chủ tịch Hồ Chí Minh
2 giờ trướcBài gốc
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Archimedes Patti viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1/9/1982. (Ảnh: NVCC)
Được biết ông từng tháp tùng ông Archimedes Patti, nguyên Thiếu tá thuộc Cơ quan phục vụ chiến lược OSS (Office of Strategic Services) - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) phụ trách Đông Dương, một người bạn Mỹ đặc biệt của Bác Hồ, vào viếng Lăng Bác và thăm các di tích lịch sử tại Hà Nội vào năm 1982. Ông có thể chia sẻ câu chuyện về người bạn Mỹ đặc biệt trở lại thăm viếng Bác Hồ?
Từ ngày 30/8-10/9/1982, ông Achimedes Patti trở lại Việt Nam sau 37 năm kể từ khi ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời thăm Việt Nam và tham dự Ngày Độc lập 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi cùng mấy anh chị em của các cơ quan liên quan được giao tháp tùng ông trong suốt chuyến thăm lần thứ hai này.
Để nói về ông Achimedes Patti cần nhìn lại bối cảnh lịch sử khi Thế chiến II lan sang châu Á-Thái Bình Dương và trở thành cuộc chiến tranh toàn cầu. Ông Patti nguyên là Thiếu tá tình báo thuộc Cơ quan phục vụ chiến lược OSS (Office of Strategic Services) của Mỹ. OSS được thành lập ngày 13/6/1942 thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, chủ yếu có nhiệm vụ thu thập và phân tích tin tức tình báo ở nước ngoài.
Đại sứ Hà Huy Thông chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang)
Ông Patti phụ trách theo dõi tình hình Đông Dương giai đoạn 1943-1944. Theo ông kể, năm 1940, ông tìm thấy các báo cáo của cán bộ ngoại giao Mỹ lần đầu tiên nhắc đến tên cái tên “Hồ Chí Minh”, người được cho là thuộc nhóm chính trị theo chủ nghĩa dân tộc còn non trẻ chống Pháp.
Tháng 8 và 9/1944, ông Patti đã gặp Bác Hồ ở Côn Minh, Trung Quốc và bắt đầu hiểu hơn về sự nghiệp và lý tưởng cách mạng của Việt Nam. Cuối tháng 8/1945, ông Patti đến Hà Nội gặp Bác Hồ và được nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945.
Sau khi Hiệp định Paris khôi phục hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, ông Patti bắt đầu lục lại hồ sơ cá nhân và được tiếp cận với các hồ sơ mật được giải mã, góp phần giải đáp mấy câu hỏi then chốt là: Việc gì đã thực sự diễn ra ở Đông Nam Á năm 1945 và vì sao Mỹ dính líu vào cuộc chiến ở Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản cuốn: "Why Vietnam: Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ).
Khi thăm lại Việt Nam năm 1982, ông Patti đề nghị thu xếp cho viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào các đồng chí lãnh đạo cấp cao mà ông đã có dịp gặp năm 1945 như Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh; cũng như thăm lại những nơi mà ông đã từng đến tháng 8-9/1945 và tặng một số nơi cuốn “Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ”.
Thời điểm năm 1982, việc cho phép một người Mỹ vào viếng Lăng Bác không đơn giản, cần cân nhắc rất kỹ và quan trọng là phải hiểu rõ lý do vì sao họ xin vào viếng. Lúc đó, ông Patti nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”.
Với lập luận đơn giản mà thuyết phục ấy, ông Patti đã được thu xếp viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, sau đó được dự lễ Quốc khánh 2/9/1982 với sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Ông Archimedes Patti tặng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cuốn sách 'Why Viet Nam? Prelude to America's Albatross', ông Hà Huy Thông (giữa) ghi biên bản. (Ảnh: NVCC)
Trong quá trình tháp tùng ông Patti, ông cảm nhận thế nào về tình cảm của người bạn Mỹ này đối với vị lãnh tụ Việt Nam?
Khi đó mới đi làm, ban đầu chúng tôi rất bất ngờ được giao đi tháp tùng ông Patti, nhưng sau đó tôi cảm thấy đây là một điều rất may mắn và vinh hạnh. Trong 10 ngày tháp tùng, chúng tôi được nghe ông Patti kể nhiều chuyện thực tế lịch sử mà chưa bao giờ được biết về Bác Hồ. Chính ông Patti cũng biết rằng năm 1945 chúng tôi thậm chí còn chưa ra đời, không thể biết nhiều chuyện thực tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó.
Nay nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người, tôi chỉ xin chia sẻ lại 4 câu chuyện qua nghe ông Patti.
Câu chuyện thứ nhất, ông Patti kể về chia sẻ thân tình của Bác Hồ về gia đình, cuộc đời mình. Ông Patti cho biết, tuy đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chưa bao giờ ông hỏi về quá khứ, gia đình Người. Cho đến hôm cuối cùng trước khi kết thúc chuyến công tác ở Việt Nam ngày 1/10/1945, được Bác Hồ mời ăn tối ở Bắc bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội).
Đúng 19h tối, ông đến cổng và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón vào. Cùng dự có các ông Nguyễn Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Huy Liệu. Do tại bàn tiệc có mấy vị biết tiếng Pháp, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện bằng cả tiếng Anh và Pháp.
Sau bữa ăn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảm ơn ông Patti vì hiểu sự nghiệp của Việt Nam và đã giúp đỡ to lớn cho Bác Hồ từ khi ở Côn Minh, đồng thời chúc ông lên đường mạnh khỏe và hy vọng Việt Nam sẽ sớm có một người bạn ở Washington.
Sau khi uống cà phê tráng miệng thì đêm đã về khuya, Bác Hồ nói ông Patti nán lại và cảm ơn ông đã giữ kín những điều riêng tư và không bao giờ gượng ép hỏi về quá khứ. Ông Patti thú thật ban đầu tưởng rằng Bác Hồ là người miền Bắc, nhưng sau đó đã được Bác kể lại rất chi tiết về nơi sinh, hoàn cảnh gia đình ở Nghệ An và quá trình trưởng thành, bôn ba tìm đường cứu nước.
Câu chuyện thứ hai, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị rất kỹ càng. Tại cuộc họp nội các đầu tiên ngày 27/8/1945 ở Bắc bộ phủ, Người đã dự kiến chọn ngày 2/9/1945 là Ngày Độc lập.
Ông Patti kể rất ngạc nhiên và ấn tượng về việc Bác Hồ chuẩn bị rất kỹ cho Ngày Độc lập và chúc Người thành công. Khiêm tốn nhận lời chúc, Người cho biết còn rất nhiều việc phải làm gấp, trong đó có một việc muốn tham khảo ông Patti về dự thảo Tuyên ngôn Độc lập, trong đó có trích câu Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ngày 4/7/1776 mà do Thomas Jefferson (sau này làm Tổng thống thứ ba của Mỹ, từ 1801-1809) thảo chủ yếu.
Nhìn bản dự thảo còn nhiều dấu gạch sửa, ông Patti biết rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp viết và cân nhắc rất kỹ từng từ trong bản Tuyên ngôn Độc lập này.
Khi Bác Hồ đọc câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…, ông Patti rất bất ngờ và hỏi Bác là có thật định trích dẫn câu này trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam hay không? Bác Hồ cười hỏi nhẹ nhàng lại: “Thế tôi không nên dùng à? Tất nhiên về trật tự của các từ: Không có cuộc sống, thì không có tự do và không có hạnh phúc nếu không có tự do”.
Kết thúc bữa ăn tối từ biệt, Bác Hồ cảm ơn ông Patti đã nhận lời đến dự Ngày Độc lập và chịu khó nghe “bài giảng giải” của Bác, rồi đưa tiễn ông Patti ra cổng và dặn nhớ mang về Mỹ thông điệp về tình hữu nghị và sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Mỹ.
Bác Hồ nói muốn nhân dân Mỹ biết rằng, nhân dân Việt Nam sẽ ghi nhớ về người bạn, người đồng minh Mỹ và luôn biết ơn về những sự giúp đỡ vật chất mà họ dành cho mình trong ngày đầu đấu tranh giành độc lập.
Lúc ông Patti nổ máy oto Jeep chuẩn bị đi, Bác Hồ còn đặt tay lên vai ông và nói: "Chúc chuyến đi tốt lành. Hãy sớm trở lại và ông sẽ luôn được hoan nghênh khi đến đây".
Khi ngoái lại nhìn thấy Bác Hồ vẫy chào, ông Patti chợt nhớ lại cuộc gặp đầu tiên với Bác tại quán nước ở Côn Minh, Trung Quốc. "Bác Hồ trông mảnh yếu, nhưng thực ra không thể bị khuất phục", ông Patti kể lại.
Câu chuyện thứ ba về tư tưởng tự do hóa thương mại. Sau khi đi thăm nhiều nơi ở Hà Nội, trước khi rời đi, ông Patti nói riêng với tôi là thấy Việt Nam năm 1982 còn nghèo và nhấn mạnh đây không phải là điều mà Bác Hồ muốn cho đất nước mình từ năm 1945.
Ông Patti cho biết, ngay tại bữa ăn tối từ biệt, Bác Hồ đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần phát triển kinh tế độc lập, không chịu dưới sự đô hộ của bất cứ nước nào, không bị nước ngoài thống trị. Như Mỹ và Anh từng kêu gọi các nước, Việt Nam chờ mong tự do hóa thương mại toàn cầu và quả quyết: “Không có thương mại tự do, Việt Nam sẽ không bao giờ thịnh vượng về kinh tế và người dân vẫn chỉ lao động kỹ năng tay chân thô sơ hay trông nom các cửa hiệu nhỏ”.
Nhờ tư tưởng này, nhất là từ sau khi đàm phán và ký Hiệp định Paris năm 1973, Việt Nam bắt đầu hình thành và nâng lên thành ngoại giao kinh tế sau này.
Câu chuyện thứ tư, khi tháp tùng ông Patti viếng Lăng và thăm nhà sàn của Bác, ông Patti có nhờ chúng tôi dịch dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” gắn trước cửa Lăng. Khi hiểu ra, ông Patti nói đây chính là tư tưởng của Bác Hồ hình thành trong mấy chục năm hoạt động, kể cả khi bị giam tù. Đây là tư tưởng của nhiều lãnh đạo từ Á sang Âu, của nhân loại, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh thành chân lý ngắn gọn này. Rồi ông nói với chúng tôi rằng: “Vĩ nhân tư duy giống nhau” (Great men think alike).
Năm 1989, ông Patti điện thoại tới Phái đoàn ta ở Liên hợp quốc (New York). Tôi đã thông báo cho ông biết, từ năm 1986 Việt Nam Đổi mới; từ năm 1989 lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu gạo nhờ một phần tự do hóa thương mại; nền kinh tế phát triển hơn 1982 khi ông thăm. Ông Patti đã bày tỏ vui mừng, chúc Việt Nam thành công hơn và đề nghị Phái đoàn ta khi đó thu xếp cho ông vào Hà Nội dự Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-1990).
Ông Archimedes Patti (thứ nhất từ phải) thăm Nhà sàn Bác Hồ, ông Hà Huy Thông đứng kế bên, ngày 1/9/1982.
Là lãnh tụ thiên tài, là nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm nay cũng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2025). Đại sứ chiêm nghiệm điều gì về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh?
Ông Patti nhiều lần nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người yêu nước, thương dân và vô cùng vĩ đại.
Bản thân ông Patti cho biết, nhiều lần báo cáo cấp trên là ông Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, không phải “vệ tinh” của nước lớn nào như báo chí có khi nêu. Dù ở nước ngoài 30 năm nhưng đi đâu, Người cũng nghĩ đến nước mình và dân mình.
Khi tháp tùng ông Patti thăm Nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch, ông kể về ước mong của Bác Hồ khi ở Mỹ. Đi đường Bác thấy tàu hỏa trên đường bộ hay tàu thủy trên sông Hudson chảy qua thành phố New York, sau đó Bác kể lại với ông Patti và chia sẻ rằng mong sao Việt Nam sớm có những tàu đi nhanh như vậy để dân đỡ khổ và kinh tế phát triển.
Bộ Ngoại giao vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm làm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, lãnh đạo đưa đất nước vượt muôn vàn khó khăn ngay từ ngày đầu dựng nước, “thù trong giặc ngoài”, để lại nhiều câu chuyện huyền thoại, kinh nghiệm ứng xử đối ngoại tài tình, thể hiện hiện sinh động và cụ thể tư tưởng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đối ngoại cởi mở, thân thiện, bao dung, linh hoạt.
Tôi chỉ xin chia sẻ mấy câu chuyện thực tế từ một người Mỹ đã từng trực tiếp làm việc với Bác Hồ tròn 80 năm trước, để minh chứng sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại bằng những hoạt động đối ngoại cụ thể, nhưng nói lên những tư tưởng ngoại giao lớn của Bác Hồ. Nhà ngoại giao Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý mà các thế hệ sau còn phải học mãi và vận dụng sáng tạo theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Người từng dạy.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Ông Hà Huy Thông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng đảm nhiệm các vị trí trong lĩnh vực đối ngoại như Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2006-2010), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (2011-2016). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ.
Ông hiện tham gia một số Hội về hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
(thực hiện)
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chuyen-cuu-si-quan-tinh-bao-my-di-gap-lai-ban-cu-nguoi-ban-vi-dai-chu-tich-ho-chi-minh-314700.html