Chuyện dạy học trước và sau ngày giải phóng

Chuyện dạy học trước và sau ngày giải phóng
16 giờ trướcBài gốc
Bà Nguyễn Thị Minh Độ ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) thường xuyên kể cho các cháu về những kỷ niệm dạy học thời chiến
Ánh mắt trong veo của học trò trong hầm
Nhấp chén trà xanh đặc quánh, bà Nguyễn Thị Minh Độ ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nhớ lại những năm tháng cả đất nước còn đang trong lửa đạn, nhưng lòng người lại rất ấm áp.
Tốt nghiệp trường sư phạm từ năm 1968, khi ấy cô gái quê gốc Thái Bình mới tròn 18 tuổi và bắt đầu dạy học cấp 2 ở xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng). Sau đó, bà về dạy ở Trường cấp 2 Thanh Bình cho đến khi nghỉ hưu.
Trong chiến tranh phá hoại của để quốc Mỹ, Hải Dương vẫn hứng chịu không ít đợt ném bom từ không quân Mỹ. Giai đoạn này, việc học trong hầm, trong đình làng, chùa, thậm chí trong nhà dân là chuyện quá đỗi quen thuộc.
Bà Độ nhớ lại một buổi sáng tháng 9/1972, tiếng còi báo động bất ngờ vang lên chói tai. Không ai bảo ai, bà nhanh chóng hướng dẫn các em chui vào hầm. Trong tay bà vẫn là cuốn sách giáo khoa dở dang bài giảng. Một lúc sau, khi tiếng máy bay dần xa, bom ngớt, bà hỏi nhỏ các em có muốn học tiếp không, cả hầm vang lên tiếng “Dạ có”. Thế là bà tiếp tục giảng, ngay trong lòng đất, tối, chật, mùi đất ẩm nồng nặc, không bảng đen, không phấn trắng, chỉ có ánh sáng mờ mờ từ chiếc đèn dầu nhỏ và ánh mắt trong veo của học trò.
Bà Độ vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngày 30/4/1975, khi nghe tin giải phóng miền Nam, cả cô và trò chạy ra khỏi lớp học hò reo sung sướng hòa chung không khí vui mừng của cả dân tộc.
Những trang vở mới
Bà Vũ Thị Tươi ở xã Quang Minh, nay là Quang Đức (Gia Lộc) với những tấm hình kỷ niệm thời còn dạy học
Bà Vũ Thị Tươi (sinh năm 1951) ở xã Quang Minh, nay là Quang Đức (Gia Lộc), quê ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng từng trải qua giai đoạn dạy học giữa mùa bom như bà Độ.
Năm 1972, bà Tươi tốt nghiệp trường sư phạm và về dạy học tại Trường cấp 2 Tây Kỳ rồi Đại Hợp. Năm 1975, bà chuyển về dạy ở Trường cấp 2 Nhật Tân...
Dù đã 74 tuổi nhưng bà Tươi vẫn nhớ rõ năm học đầu tiên 1975 - 1976 của nước Việt Nam thống nhất cũng là cột mốc không thể quên trong ký ức của hàng triệu thầy cô ở Hải Dương và học trò cả nước.
"Ngày khai giảng năm học đầu tiên, trường không có cờ mới, trống mượn tạm từ hợp tác xã, có bục giảng là mấy viên gạch xếp chồng. Nhưng chưa bao giờ tiếng trống trường lại vang lên thiêng liêng và xúc động đến thế”, bà Tươi kể.
Sau giải phóng, cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn đơn sơ, thiếu thốn. Bàn ghế tự đóng, bảng đen loang lổ. Sách giáo khoa khan hiếm. Không thiết bị hiện đại, chỉ với cuốn sách giáo khoa cũ, viên phấn và bảng đen nhưng mỗi thầy cô đều giảng bằng cả trái tim.
Đời sống của giáo viên và học sinh rất khó khăn, nghèo khổ, giáo viên vừa là nông dân vừa là học viên. Ban ngày lên lớp, buổi tối học tập chính trị hoặc tự học nâng cao trình độ; buổi trưa hoặc cuối tuần tranh thủ ra đồng lao động cùng hợp tác xã...
Ngày ấy, nhiều học sinh đi học bằng chân đất, áo quần vá chằng chịt, bữa trưa chỉ có củ khoai. Có em sáng đi mò cua, bắt ốc, làm đồng, chiều vội đến trường học. Vậy mà các em học rất chăm chỉ.
Bà Tươi tự hào cho biết 1975 - 1976 là năm học ngành giáo dục cả nước bước vào công cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên một cách sâu rộng, khẩn trương và toàn diện. Lực lượng giáo viên được huy động để chuẩn bị cho việc phổ cập giáo dục và hỗ trợ giáo dục tại miền Nam sau giải phóng.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn, những lớp tập huấn đơn sơ đã góp phần hình thành nên một thế hệ giáo viên đầy tâm huyết, tận tụy và kiên cường, đồng thời đặt nền móng cho những trang vở đầu tiên của đất nước mới.
Giữa gian khó, tình thầy trò ấm áp
Ông Nguyễn Trọng Khiên (đầu tiên bên trái) ở xã Kim Đính (Kim Thành) tự hào khi kể chuyện về giai đoạn chiến sĩ là nhà giáo
Dù đã 80 tuổi ông Nguyễn Trọng Khiên ở xã Kim Đính (Kim Thành) vẫn nhớ giai đoạn trò chân đất, thầy cơm độn bo bo, khoai, sắn, nhưng tình cảm thì dạt dào. Năm 1968, ông Khiên tạm gác giáo án để nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông không thể quên khoảnh khắc gần 12 giờ trưa 30/4/1975 tại Củ Chi, ông cùng đồng đội hò hét, dùng súng bắn chỉ thiên hết đạn để ăn mừng chiến thắng.
Sau giải phóng, ông Khiên được điều về đơn vị cải huấn sĩ quan quân ngụy tại Trảng Lớn, Tây Ninh. Tháng 9/1976, ông trở về quê nhà tiếp tục dạy học tại Trường cấp 1+2 Kim Anh (Kim Thành). Năm 1977 về Trường cấp 1 Kim Đính, tại đây, ông lần lượt được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng cho đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Ngoài nhiều bằng khen của UBND tỉnh, ông Khiên còn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002. Đến nay, ông Khiên đã có 20 năm gắn bó với công tác khuyến học và hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kim Thành.
Ông Khiên nhớ trong bối cảnh cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống giáo viên, học sinh muôn vàn khó khăn, tình thầy trò lại chính là nguồn sức mạnh lớn giúp duy trì và phát triển sự nghiệp “trồng người”.
Học sinh giúp thầy cô trộn đất trát tường, lợp mái, san nền, trồng rau cải thiện bữa ăn. Có lớp học tạm bị mưa làm sập, hôm sau cả trường ra đồng xin rạ, lấy tre về dựng lại lớp. Trò mang rạ, thầy gánh nước, cô nấu cơm.
Có học sinh nghèo chỉ có một bộ quần áo, không có vở, dép, thầy cô xé vở cũ của mình đóng lại, quyên góp mua áo, dép tặng. Có thầy cô giáo ốm, cả lớp thay nhau nấu cháo như người nhà chăm sóc nhau...
Nhìn lại những năm tháng gian khó, ai cũng xúc động. Những nhà giáo trưởng thành từ thời chiến giờ tóc đã bạc chính là những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng giáo dục thời hậu chiến, thắp những ngọn lửa sáng cho nền giáo dục tỉnh nhà.
THẾ ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/chuyen-day-hoc-truoc-va-sau-ngay-giai-phong-409723.html