1. Hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật, được gọi là Metro hay MRT (mass rapid transit), phát triển từ năm 1927. Mặt dù ra đời sau tàu điện ngầm đầu tiên trên thế giới tại London hơn nửa thế kỷ, nhưng Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực này, xuất khẩu công nghệ, thiết bị và nhân lực cho nhiều nước khác.
Lối vào nhà ga Hankyu, quận Umeda, thành phố Osaka.
Trước chuyến đi, tôi đã tìm hiểu về phương tiện đi lại này, nhưng khi tự mình trải nghiệm thì không như suy nghĩ, chúng tôi không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm chuyến tàu cần đi, đứng đúng nơi, lên đúng tàu, xuống đúng ga cần thiết. Suốt hành trình, chúng tôi chưa lần nào bị nhầm tàu hay xuống nhầm ga. Tại các nhà ga đều có bản đồ các chuyến tàu chạy qua với các line mang màu sắc khác nhau hiển thị đầy đủ tên ga trên mỗi line, bảng hiển thị giờ tàu chạy, cùng với đó là bảng chỉ dẫn song ngữ Nhật - Anh chi tiết tỉ mỉ từ cửa ga vào tận đường tàu để du khách lần đầu đi tàu cũng không bỡ ngỡ, biết rõ con tàu cần tìm nằm ở đâu, dưới sàn cũng hướng dẫn chỗ đứng xếp hàng, chiều lên chiều xuống rất khoa học.
Sau vài lần di chuyển, tôi rút ra kinh nghiệm, chỉ cần nhìn giờ tàu khởi hành là biết có đúng con tàu mình cần hay không, vì metro Nhật nổi tiếng trên toàn thế giới về việc đúng giờ. Nếu chuyến tàu của tôi là 15h03 thì con tàu khởi hành lúc 15h chắc chắn tôi không nên bước lên. Một câu chuyện khác tôi đọc được trước khi đến đây là, công ty đường sắt Tokyo đã đăng thông điệp xin lỗi đến khách hàng vì tàu khởi hành sớm… 20 giây so với lịch trình. Càng ngạc nhiên khi biết chỉ riêng hệ thống tàu điện ngầm Tokyo vận chuyển hơn 8 triệu lượt hành khách mỗi ngày, là một trong những hệ thống bận rộn nhất thế giới. Tuyến đường sắt Tokyo dài hơn 300 km đã đem đến một không gian đô thị mới cho thủ đô này.
Một điểm khiến tôi ấn tượng là một số chuyến có toa dành riêng cho phụ nữ, nó đặc biệt có ý nghĩa ở những ga đông đúc như Tokyo, với công suất lên đến 200%. Khi đi tàu ở Tokyo, tôi lại nhớ câu chuyện về các Oshiya "đeo găng trắng", họ là những nhân viên đặc biệt, chỉ làm việc vào giờ cao điểm, với đôi tay đeo găng trắng muốt cố nhồi nhét người vào các khoang tàu tưởng đã chật như nêm. Qua bàn tay của họ, thêm nhiều người được đẩy vào, bên trong người người dính chặt vào nhau, như những con cá mòi xếp lớp há miệng lên trên để thở.
Ngày nay, những Oshiya "đeo găng trắng" dần vắng bóng khi cửa tự động thay thế cho cửa kéo, nhưng sự đông đúc, dồn nén người trên các toa tàu giờ cao điểm vẫn còn. Cho nên, một toa riêng dành cho phụ nữ (cho phép trẻ em lên cùng) là một sáng kiến hết sức nhân văn và tinh tế, đúng tinh thần Nhật Bản.
Mặc dù thường xuyên trong tình trạng ken đặc nhưng dòng người vẫn duy trì trật tự, trên tàu lẫn dưới ga. Trông ai cũng vội. Mà dù có thong thả, họ gần như không chú ý đến mọi thứ xung quanh, đặc biệt là giới trẻ và trung niên, tai đeo microphone, mắt chăm chăm nhìn thẳng phía trước, đều bước. Nhìn những gương mặt nghiêm túc có phần lạnh lùng, tôi cảm nhận được áp lực của nếp sống công nghiệp ở xứ sở này.
Ngắm cảnh trên con tàu tự động Yurikamome.
2. Nhưng metro Nhật không phải lúc nào cũng chật ních. Tôi được trải nghiệm cảm giác thong thả đi tàu vào buổi sáng sớm ở Umeda, Osaka, dạo quanh các tiệm ăn bên trong ga, ngắm người dân ăn sáng, đi đi lại lại. Thật thư thái khi chúng tôi là những người đầu tiên bước lên tàu, rồi lần lượt những người khác bước vào, như trò chơi điền vào ô trống.
Chặng đường từ Kyoto về Osaka, tôi được đi trên con tàu mang phong cách cổ điển, đoàn tàu sơn màu rượu vang, trang trí hoa anh đào và hình ảnh geisha khắp thân tàu, trông thật xinh xắn. Tôi cũng ấn tượng khi đi trên con tàu không người lái Yurikamome, từ ga Shimbashi đến đảo nhân tạo Odaiba. Đó quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Đã "nhắm" trước, chúng tôi chọn ngồi ngay đầu tàu, để ngắm vịnh Tokyo thơ mộng. Nhờ ngồi ở vị trí này mà được quan sát quang cảnh bằng con mắt người lái tàu, cảm giác rất "đã" so với ngồi ở các khoang sau. Khi tàu đi qua đoạn đường đặc biệt, phía dưới là thanh ray, hai bên trái phải và trên đầu đều được bao bọc bởi những thanh sắt hình chữ nhật, con tàu quanh co uốn lượn, những chiếc "hộp sắt" này trở thành những cánh hoa bung nở, hết sức độc đáo.
3.Khi di chuyển từ thành phố Osaka đến thủ đô Tokyo, ban đầu chúng tôi định sẽ đi bus đêm cho tiết kiệm. Hệ thống bus ở Nhật rất hiện đại, tiện lợi và sạch sẽ. Tuy nhiên cuối cùng chúng tôi quyết định chọn Shinkansen để trải nghiệm phương tiện mà học giả người Anh Christopher P.Hood nhận định, "Shinkansen rõ ràng không chỉ là một phương tiện giao thông. Đó là biểu tượng mạnh mẽ của quá trình tái thiết sau chiến tranh và sức mạnh công nghiệp mới nổi của Nhật Bản".
Shinkansen có nghĩa là "đường huyết mạch mới", để phân biệt với hệ thống đường sắt khổ hẹp được khai thác gần một thế kỷ trước. Nhiều người gọi là "tàu viên đạn", do vận tốc siêu nhanh của nó cùng với hình dạng đầu tàu. Shinkansen cũng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên được xây dựng trên thế giới. Trong tâm tưởng của nhiều người Nhật cao niên, ngày 1/10/1964, hình ảnh con tàu sáng bóng lướt như bay từ thủ đô Tokyo hướng về thành phố Osaka ở phía Nam đã trở thành dấu ấn lịch sử khó quên. Và thời khắc đó cũng mở ra kỷ nguyên mới, đưa Nhật Bản thành đất nước dẫn đầu công nghệ đường sắt thế giới. Sau Nhật Bản, lần lượt các quốc gia khác như Pháp, Italia, Đức, Hà Lan, Trung Quốc… cũng nhanh chóng phát triển tuyến đường sắt cao tốc. Đặc biệt là Trung Quốc, dù ra đời sau nhưng lại phát triển vượt bậc, chiếm hơn 70% chiều dài đường sắt cao tốc thế giới.
Tuyến cao tốc đầu tiên mang tên Tokaido Shinkansen, thời điểm đó đã đạt tốc độ 210 km/h. Sau nhiều lần cải tiến và mở rộng, hiện tốc độ tối đa là 320 km/h, với chiều dài hơn 2.500 km, kết nối hai phần ba tỉnh thành của nước Nhật. Theo thống kê, mạng lưới này đã duy trì một kỷ lục an toàn đáng nể, sau 61 năm hoạt động, không có một tai nạn nào dẫn đến thương vong, dù Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất, bão tố. Và thời gian trễ trung bình của Shinkansen là… 36 giây, bao gồm cả việc trì hoãn do thiên tai.
Khi lựa chọn mua vé, tôi mới biết có 3 loại tàu Shinkansen phổ biến: tàu Nozomi, Hikari và Kodama. Tàu Nozomi có tốc độ cao nhất, thực hiện các hành trình dài, chỉ dừng tại các ga lớn. Tàu Hikari di chuyển với tốc độ thấp hơn, dừng ở nhiều ga hơn, chủ yếu là các ga chính trong khu vực. Tàu Kodama thì dừng tại mọi ga trên tuyến. Chúng tôi chọn tàu Hikari vì thấy khác biệt nửa giờ đồng hồ không đáng kể, lại có thể sử dụng thẻ Japan Rail Pass đã mua trước đó để đi các tuyến bus và metro, nếu đi tàu Nozomi phải mua vé riêng.
Hikari trong tiếng Nhật nghĩa là "ánh sáng", hành trình mất 2 giờ 53 phút cho quãng đường 515 km. Cảm giác ngồi trên chuyến tàu này thật khó tả. Con tàu bóng loáng từ ngoài vào trong, khoang tàu bố trí gần giống khoang máy bay, nhưng khác là gồm hai dãy ghế 2 - 2, ghế và khoảng cách để chân rộng, được bọc vải nhung xanh êm ái, phía trên có khoang để đồ, có ổ cắm điện, wifi miễn phí. Khi đã yên vị, tàu bắt đầu di chuyển, tôi háo hức nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ. Tàu nhanh chóng ra khỏi đường hầm, nhô lên mặt đất rồi lên cao. Cảnh vật ban đầu còn rõ nét, sau chỉ còn là những vệt loang loáng khi tàu vun vút lao đi, bên trong vẫn êm ru, đến chai nước cũng không hề sóng sánh, em bé dãy bên vẫn say giấc ngon lành. Quang cảnh rõ nét trở lại khi tàu giảm tốc độ chuẩn bị dừng ở ga. Cứ như vậy lặp lại cho đến khi kết thúc hành trình ở ga Tokyo nhộn nhịp.
Được biết, Nhật Bản đang thử nghiệm thế hệ tàu cao tốc tiếp theo, tên gọi ALFA-X, tốc độ gần 400 km/h. Họ cũng đang xây tuyến đường sắt đệm từ dài khoảng 285 km nối Tokyo và Nagoya, với vận tốc khai thác 500 km/h, dự kiến hoạt động vào năm 2034 sau đó sẽ mở rộng đến Osaka, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tokyo đến Osaka chỉ còn 67 phút.
Ngồi trên con tàu ở Nhật, tôi mơ đến một ngày không xa, có một hành trình từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên tàu cao tốc khi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến khởi công cuối năm 2026 dài 1.541 km với vận tốc thiết kế 350 km/h, đây sẽ là trục xương sống phát triển kinh tế và mở ra không gian phát triển cho 20 tỉnh thành mà tuyến đường đi qua. Sẽ không xa nữa, người dân Việt có thể đi trên con tàu cao tốc lướt qua những miền đất thân yêu trên chính quê hương mình.
Hoàng Ngọc Thanh