Chuyển dịch lao động: Cơ hội hay thách thức?

Chuyển dịch lao động: Cơ hội hay thách thức?
3 giờ trướcBài gốc
Theo đánh giá của các chuyên gia về thị trường lao động, không riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân chủ yếu là do sau đại dịch Covid-19, không ít DN vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh nên vẫn phải cắt giảm lao động. Đặc biệt, một số DN thuộc ngành gỗ, may mặc, giày da, đơn hàng giảm mạnh dẫn đến NLĐ không có việc làm, không đảm bảo thu nhập nên phải tìm công việc khác. Trong số này, nhiều lao động đã lựa chọn quay về quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung sinh sống.
Thị trường lao động Đồng Nai hay các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ không còn hấp dẫn như trước đây là một thực tế khi trên cả nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành ngày một nhiều. Nếu như hơn 10 năm trước, việc NLĐ tại miền Bắc, miền Trung đi làm công nhân ở ngay địa phương khá khó khăn vì không có nhà máy, DN thì nay chuyện này đã khá dễ dàng. DN ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, không phải mất tiền thuê nhà trọ, giá cả sinh hoạt phải chăng đã “kéo” những lao động đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam về lại quê nhà. Vì vậy, theo dự báo, vài năm tới, sự chuyển dịch lao động sẽ ngày càng lớn hơn nữa, gây áp lực lớn về nguồn cung ứng lao động cho các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chuyển dịch lao động thời điểm này dù gây ra những khó khăn nhất định cho DN, nhưng về lâu dài thì đây là việc cần thiết để tái thiết cơ cấu lao động như ở Đồng Nai. Bởi thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông quá nhiều, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng xã hội, trong đó có nhà ở, trường học, các thiết chế văn hóa, thể thao…
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, DN buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất, đưa máy móc hiện đại vào thay thế nhiều công đoạn. Việc tuyển dụng lao động cũng chọn lọc hơn theo hướng chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, lao động chất lượng cao. Hơn nữa, việc thu hút đầu tư trong tỉnh đã và đang ưu tiên những DN có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu lại lao động càng sớm, Đồng Nai càng đón đầu được những cơ hội phát triển tốt hơn.
Minh Ngọc
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202410/chuyen-dich-lao-dong-co-hoi-hay-thach-thuc-2cc007b/