Mường Lát là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, cũng là địa phương thuộc nhóm huyện nghèo nhất cả nước, với đặc điểm địa hình chủ yếu đồi núi cheo leo nên việc phát triển kinh tế địa phương là vô cùng khó khăn. Đặc biệt, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông cách trở, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… đã khiến nhiều bản làng trong nhiều năm liền rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Mảnh đất chất chồng khó khăn
Anh Lương Văn Quê là người dân tộc Thái (xã Quang Chiểu), hiện là Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Nông lâm nghiệp huyện Mường Lát, cũng như nhiều người dân ở bản, gia đình anh từng có những tháng ngày quanh năm chỉ bám vào nương rẫy, nhưng đất đai dốc đứng, bạc màu, năng suất thấp, nên dù có làm lụng vất vả cái đói vẫn đeo bám mỗi mùa giáp hạt. Không cam chịu cảnh nghèo, anh Quê tìm tòi học hỏi, tận dụng sự hỗ trợ của chương trình khuyến nông và chuyển đổi sang trồng bí thơm, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây bí thơm - hướng đi mới giúp nhiều hộ gia đình tại huyện Mường Lát thoát nghèo
Anh Lương Văn Quê, cho hay, bí thơm vốn là cây trồng truyền thống của người dân vùng cao, tuy nhiên khoảng 2-3 năm trở lại đây, bà con mới bắt đầu trồng nhiều, trồng tập trung và sản xuất mang tính hàng hóa.
Kỹ thuật trồng bí thơm đòi hỏi nhiều công phu từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là việc làm giàn rất phức tạp.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây trồng này, để chăm sóc phát triển bí đao theo hướng quy mô lớn, anh Quê cùng một số đồng nghiệp đã thành lập HTX Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Nông lâm nghiệp huyện Mường Lát.
“Trái vàng” giúp dân bản thoát nghèo
Hiện nay, HTX đang quản lý gần 5 ha bí thơm, với sự tham gia của 10 thành viên. Năm 2023, sản phẩm bí thơm của HTX vinh dự được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao với tên gọi Bí đao Đồng Sa, mở ra hướng đi bền vững cho nông sản địa phương.
Đáng chú ý, sự thay đổi lớn nhất không chỉ nằm ở diện mạo bản, làng mà còn ở tư duy của chính người dân. Trước đây, bà con chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy, sản xuất nhỏ lẻ với năng suất thấp, nhưng nay đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế.
Cũng là một trong những tấm gương thoát nghèo nhờ trồng bí thơm tại địa phương, ông Vi Văn Thông, Phó Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Nông lâm nghiệp huyện Mường Lát, cho biết nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, 1ha bí thơm có thể thu hoạch hơn 10 tấn quả. Với giá bán ổn định 10.000-15.000 đồng/kg, người trồng có thể lãi khoảng 90 triệu đồng/ha. Nghề trồng bí giúp tạo việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên.
“Để tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, hợp tác xã dự kiến mở rộng diện tích trồng bí thêm 5ha vào năm 2025. Chúng tôi đang xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Dự kiến, hợp tác xã sẽ chế biến nhiều sản phẩm từ bí như làm mứt, trà, kẹo; bán thêm nụ, hoa bí", ông Thông chia sẻ.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát cho hay, nhờ đặc tính thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, bí thơm luôn được thương lái săn đón. Dịp cuối vụ, bí thơm thường "cháy" hàng".
Tiếp tục phát huy
Với mục tiêu phát triển bí thơm thành cây trồng chủ lực, huyện Mường Lát sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, hợp tác xã và người dân phục tráng giống bí thơm để mở rộng diện tích trồng.
Tính đến nay, toàn huyện Mường Lát có hơn 10 ha bí thơm đã được thu hoạch, với sản lượng 30 - 50 tấn, tập trung ở xã Mường Chanh, xã Quang Chiểu và khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát.
UBND huyện Mường Lát sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, hợp tác xã và người dân phục tráng giống bí thơm để mở rộng diện tích trồng, trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương.
“Với năng suất khoảng gần 5 tạ/sào, người trồng bí thơm có thu nhập trung bình hơn 3 - 5 triệu đồng/sào/vụ. Hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa. Vì thế, bà con phấn khởi tập trung chăm sóc, coi đó là nguồn thu nhập chính”, anh Lương Văn Quê cho biết.
Để hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, UBND các địa phương đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức 3 đến 4 lớp tập huấn về kỹ thuật về trồng bí thơm. Nhờ đó, các hộ dân đều gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Với hiệu quả kinh tế từ cây bí thơm mang lại, nhờ sự hỗ trợ, phối hợp của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh kết hợp cùng chính quyền địa phương đã xuống các thôn, bản khảo sát. Từ đó thành lập tổ hợp tác về trồng rau an toàn, trong đó có cây bí thơm, qua đó tìm cách giới thiệu sản phẩm, liên kết với các nhà hàng, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Vụ bí xanh thơm vừa qua, gia đình ông Đinh Văn Nguyện, ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát trồng được hơn 5 sào bí, thu hoạch hơn 20 tạ. Ông Nguyện chia sẻ: "Nhà tôi trồng bí thơm từ nhiều năm nay, song chủ yếu phục vụ gia đình. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ các HTX hỗ trợ đầu ra nên gia đình tôi yên tâm sản xuất”.
Cũng nhờ trồng cây bí thơm, chỉ trong hơn một năm qua, huyện Mường Lát đã ghi nhận hơn 100 lá đơn xin thoát nghèo từ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Mường Lát, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Nếu như năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021), trong đó, thu nhập bình quân đạt hơn 25 triệu đồng/người. Năm 2024, thu nhập bình quân ước đạt 28,9 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%. Đặc biệt trong năm 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không phải xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt.
Có thể nói, những tín hiệu tích cực ấy chính là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của những người dân địa phương. Bên cạnh đó là sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam,... tiếp tục từng bước giúp thay đổi diện mạo huyện vùng cao xứ Thanh.
Hồng Hương