Nhóm chuyên trách về chuyển dịch năng lượng tại Anh vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh và Scotland coi việc chuyển đổi năng lượng tại Biển Bắc là một “sứ mệnh quốc gia”, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công bằng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh nguồn dầu khí từ Biển Bắc đang suy giảm, trong khi các dự án năng lượng tái tạo như điện gió cần thời gian để hoàn thiện và mở rộng quy mô.
Theo khuyến nghị từ nhóm chuyên trách, tương lai của Biển Bắc nên được coi là “sứ mệnh quốc gia” của Chính phủ Anh. (Nguồn: Jane Barlow/PA)
Ông Philip Rycroft – Chủ tịch nhóm chuyên trách, đồng thời là cựu quan chức cấp cao của chính phủ Anh – cho rằng Biển Bắc hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo trong tương lai gần. “Chúng ta có tài nguyên, có công nghệ và cần tận dụng điều đó. Khai thác có kiểm soát sẽ mang lại hiệu quả phát thải carbon thấp hơn nhiều so với nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài,” ông nhấn mạnh.
Theo ông Rycroft, hiện nay chính phủ Anh đang phản đối việc cấp phép cho các mỏ dầu khí mới ở Biển Bắc. Tuy nhiên, đây là quyết định mang tính chính trị, chứ không hoàn toàn xuất phát từ các cân nhắc kinh tế. Nếu không có hành động kịp thời, ông cảnh báo, sản lượng dầu khí sẽ suy giảm nhanh chóng trước khi các dự án năng lượng xanh kịp thay thế, dẫn đến nguy cơ "không còn ngành công nghiệp nào để chuyển đổi".
Ông Philip Rycroft – Chủ tịch nhóm chuyên trách chuyển dịch năng lượng tại Anh - cho rằng, nếu không hành động kịp thời, dầu khí sẽ cạn trước khi năng lượng xanh kịp thay thế. (Nguồn: PA Archive)
Tổ chức Offshore Energies UK (OEUK) – đại diện ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi – cũng nhận định rằng Biển Bắc vẫn có thể đáp ứng tới một nửa nhu cầu dầu khí của Anh vào năm 2050, với điều kiện chính phủ cho phép triển khai các dự án mới.
Dù chính phủ Anh đã bắt đầu tham vấn về chiến lược chuyển đổi năng lượng ngoài khơi, bao gồm hydro, lưu giữ carbon và năng lượng tái tạo, nhóm chuyên trách cảnh báo rằng nếu không thực hiện nhanh chóng và quyết liệt, nước Anh sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng để dẫn đầu lĩnh vực năng lượng xanh toàn cầu.
Do đó, nhóm đề xuất thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng với sự tham gia của đại diện chính phủ Anh, chính phủ Scotland, ngành công nghiệp, công đoàn và các bên liên quan khác để điều phối lộ trình chuyển đổi. Đồng thời, cần thay thế chính sách thuế lợi nhuận bất thường (windfall tax) hiện hành bằng một khung thuế ổn định, minh bạch và hợp lý hơn nhằm thu hút đầu tư dài hạn.
“Biển Bắc là tài sản chiến lược của quốc gia. Nếu được chuyển đổi bài bản, khu vực này có thể mang lại việc làm chất lượng cao, tăng nguồn thu ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đạt mục tiêu net zero,” ông Rycroft nhận định.
Về phía chính phủ, đại diện Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero (DESNZ) khẳng định Anh đang thực hiện các bước đi cụ thể. Trong 25 năm tới, chính phủ dự kiến chi 21,7 tỷ bảng để phát triển các dự án hydro, lưu giữ carbon và chương trình điện gió ngoài khơi lớn nhất trong lịch sử.
Chính phủ Scotland cũng cho biết đang xem xét kỹ báo cáo này. Đại diện chính phủ khẳng định ủng hộ một lộ trình chuyển đổi công bằng, bền vững và phù hợp với các cam kết khí hậu, đồng thời kêu gọi mọi quyết định về dầu khí tại Biển Bắc phải dựa trên bằng chứng khoa học và đánh giá kỹ lưỡng tác động đến khí hậu và an ninh năng lượng quốc gia.
Biển Bắc, nằm giữa Vương quốc Anh, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Bỉ, là một vùng biển nông với độ sâu trung bình khoảng 90 mét. Từ những năm 1970, khu vực này trở thành trung tâm khai thác dầu khí quan trọng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia ven biển. Mới đây, công ty dầu khí Na Uy DNO thông báo vừa phát hiện mỏ dầu khí mới tại phía Bắc Biển Bắc, và ước tính trữ lượng khai thác từ 39–75 triệu thùng, trung bình khoảng 55 triệu thùng.
Tuy nhiên, trước áp lực từ biến đổi khí hậu và nhu cầu giảm phát thải carbon, việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo tại Biển Bắc trở nên cấp thiết. Với tiềm năng lớn về năng lượng gió ngoài khơi và thủy triều, Biển Bắc được xem là địa điểm lý tưởng để phát triển các dự án năng lượng xanh. Các quốc gia châu Âu đã nhận ra cơ hội này và đang tích cực triển khai các dự án nhằm biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Việc chuyển đổi năng lượng tại Biển Bắc không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh và đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho khu vực.
Thanh Trà (Nguồn: The Standard)