Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Bình Dương sẽ lựa chọn làm điểm di dời nhà máy

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Bình Dương sẽ lựa chọn làm điểm di dời nhà máy
2 giờ trướcBài gốc
Một khu công nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, tái cấu trúc không gian công nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đang triển khai kế hoạch di dời các doanh nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch hiện tại ra khỏi khu vực phía Nam tỉnh.
Đây là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế-xã hội đồng thời bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chí mới về an toàn và quy hoạch đô thị.
Phân bổ đất khu công nghiệp để di dời nhà máy
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang quyết liệt trong việc bố trí quỹ đất tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm phục vụ mục tiêu di dời doanh nghiệp; trong đó, khu công nghiệp Cây Trường sẽ được trưng dụng một phần diện tích để hỗ trợ doanh nghiệp di dời.
Bảy khu công nghiệp khác bao gồm Bàu Bàng, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Dầu Tiếng 1A, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên cũng sẽ dành từ 5% đến 30% quỹ đất cho việc di dời. Kế hoạch chi tiết về tỷ lệ và diện tích sẽ được xác định rõ trong quá trình lập quy hoạch tỷ lệ 1/5000.
Song song với việc phân bổ lại các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng đã quy hoạch 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.800 hecta; trong đó, các cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ dành 50% quỹ đất cho doanh nghiệp di dời, trong khi các cụm công nghiệp đa ngành sẽ dành 30%. Đây là những bước đi quan trọng nhằm tối ưu hóa quỹ đất, tạo không gian sản xuất mới và phát triển bền vững, hài hòa với môi trường.
Để đảm bảo việc di dời diễn ra hiệu quả, tỉnh Bình Dương đang tiến hành xác định danh mục các doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể, sẽ thực hiện thống kê và phân loại các cơ sở để triển khai các biện pháp hỗ trợ di dời.
Các tiêu chí để xác định bao gồm: hết hạn đăng ký đầu tư, không còn phù hợp với quy hoạch, vi phạm Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị, và các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường hoặc an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân các thành phố như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát tiến hành rà soát và gửi danh sách về Sở Công Thương trước ngày 31 tháng 10 năm 2024. Sau đó, danh sách sẽ được Ban chỉ đạo xem xét để đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định chính thức.
Thí điểm và hỗ trợ doanh nghiệp
Giai đoạn thí điểm của kế hoạch sẽ bắt đầu từ năm 2025, tập trung vào 10 doanh nghiệp cần di dời khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ di dời, triển khai tại các thành phố lớn của tỉnh.
Đến quý 1 năm 2026, các cơ quan chức năng sẽ tổng kết và đánh giá kết quả của giai đoạn thí điểm, từ đó mở rộng thực hiện kế hoạch di dời ra toàn tỉnh. Những doanh nghiệp tự nguyện di dời sẽ được hỗ trợ tối đa về các thủ tục liên quan đến chuyển đổi công năng và mục đích sử dụng đất.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp nằm trong đề án di dời, tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tính đến nay, 130/139 kiến nghị từ doanh nghiệp đã được giải quyết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, đề nghị tỉnh cần có danh sách cụ thể về những doanh nghiệp sẽ phải di dời để doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp; đồng thời đề xuất cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian thanh toán để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Hiện tại, Bình Dương có 72.319 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, đồng thời thu hút gần 41 tỷ USD vốn FDI từ 4.322 dự án.
Tỉnh dự kiến sẽ di dời khoảng 2.900 nhà máy và doanh nghiệp tại các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên trong giai đoạn từ năm 2025 đến cuối năm 2030.
Để đảm bảo quá trình di dời diễn ra suôn sẻ, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong thời gian chuyển đổi.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy hoạch của tỉnh và địa phương.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu tự nguyện đăng ký di dời, và hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành.
Danh sách các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký sẽ được tổng hợp và gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để báo cáo và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
Vừa qua tại buổi làm việc với các ngành chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu các đơn vị liên quan chọn lựa một số nhà máy làm điểm và thí điểm cho quá trình di dời.
Tỉnh ủy yêu cầu tầm quan trọng của việc triển khai thí điểm nhằm đánh giá hiệu quả và rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có thể mở rộng thực hiện việc di dời các doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các khu vực cần di dời.
Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định rằng việc di dời này không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời góp phần xây dựng một Bình Dương phát triển bền vững.
Với chiến lược tái cấu trúc toàn diện, Bình Dương đang thể hiện rõ quyết tâm trong việc không chỉ di dời các doanh nghiệp không đạt chuẩn, mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững, tìm sự chuyển đổi tăng trưởng mới.
Nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh xã hội, mà còn hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Tỉnh Bình Dương đang nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, tạo điều kiện phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp và địa phương, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-binh-duong-se-lua-chon-lam-diem-di-doi-nha-may-post981698.vnp