Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu, mang tính sống còn đối với sự phát triển bền vững của sản xuất công nghiệp toàn cầu. Trong xu thế đó, các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tại Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính,... từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tiên phong trong xu hướng "chuyển đổi xanh", KCN Nam Cầu Kiền ở thành phố Thủy Nguyên là 1 trong 2 KCN đi đầu tại Hải Phòng phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo dựng cảnh quan xanh, thân thiện với môi trường và xây dựng thành công 3 chuỗi kinh tế tuần hoàn, KCN Nam Cầu Kiền đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sạch hơn và ít phát thải khí nhà kính.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là 1 trong 2 KCN đi đầu tại Hải Phòng phát triển theo mô hình sinh thái
Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, các DN có mức phát thải lớn trong KCN như ngành thép và các ngành sản xuất vật liệu khác, đều đã nghiêm túc thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.
Các nhà máy tại đây đã chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, giúp giảm đáng kể chi phí điện năng từ lưới điện quốc gia. Hiện tại, Công ty CP Shinec đang phối hợp với các đối tác để xây dựng phương án lắp đặt các trạm khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), hướng tới một nguồn năng lượng sạch hơn và ít phát thải CO2 hơn.
“Nam Cầu Kiền đã thuê 1 tập đoàn lớn của Nhật để kiểm đếm phát thải và tiêu thụ năng lượng. Từ đó, nếu các nguồn năng lượng như điện mặt trời hay năng lượng tái tạo khác không đủ, KCN sẽ đầu tư nhà máy điện sử dụng khí LNG để giải quyết bài toán năng lượng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, KCN đạt mức phát thải carbon bằng 0 - zero carbon”, ông Điệp cho biết.
Không chỉ riêng KCN Nam Cầu Kiền, tinh thần chuyển đổi năng lượng sạch đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều DN thuộc các KCN, KKT khác của Hải Phòng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ông Dong Bin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FLAT Việt Nam (KCN Đình Vũ, Hải Phòng) - DN đặc thù về sản xuất tấm kính với lượng nhiên liệu tiêu thụ lớn hàng năm cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất và hòa nhịp với xu hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, công ty đã chủ động nghiên cứu và chuyển đổi nhiên liệu sang khí đốt. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và mới đạt kết quả bước đầu.
“Từ 2 năm trước, DN bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm với 2 loại khí CNG (khí thiên nhiên nén) và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Tuy nhiên, cả 2 loại này đều không thực sự phù hợp với hệ thống. Gần đây, DN tập trung nghiên cứu LNG nhưng nguồn cung ứng LNG tại miền Bắc hiện vẫn rất khan hiếm”, theo ông Dong Bin.
Các DN trong các KCN, KKT tại Hải Phòng đang triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi các nguồn năng lượng sạch hơn
Thành phố Hải Phòng hiện đã thành lập 18 KCN, trong đó 11 khu đang thu hút đầu tư và dự kiến sẽ có thêm 16 KCN mới trong tương lai. Ngoài 2 KCN là Nam Cầu Kiền và DEEP C đang phát triển theo mô hình sinh thái, các KCN còn lại cũng nỗ lực chuyển đổi theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững. Thành phố cũng đã thành lập KKT ven biển phía Nam với định hướng phát triển xanh, đồng thời yêu cầu các KCN mới thành lập phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh ngay từ giai đoạn quy hoạch.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh trong các KCN tại Hải Phòng nói chung và chuyển đổi năng lượng trong các DN nói riêng vẫn gặp nhiều thách thức. Một số DN vẫn coi đầu tư xanh là chi phí ngắn hạn thay vì là chiến lược phát triển lâu dài; nhiều DN còn e ngại việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật như điện, khí, xử lý nước thải; bên cạnh đó là sự thiếu hụt quy định chi tiết về tái sử dụng chất thải và nước thải.
Ông Đỗ Phạm Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D) cho rằng, do hạ tầng các KCN tại Hải Phòng được xây dựng từ trước đây chưa có quy hoạch cho hệ thống khí, nên việc bổ sung quỹ đất phù hợp gặp nhiều trở ngại.
“Bên cạnh đó, tuy các tập đoàn nước ngoài đã biết đến và sẵn sàng chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên, nhưng nhiều DN trong nước vẫn còn e dè do chi phí cao. Đặc biệt các DN hiện đang sử dụng than rất ngại chuyển đổi”, ông Minh nêu.
Hải Phòng đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp xanh, hiện đại, góp phần xây dựng nền kinh tế phát thải thấp, thân thiện với môi trường
Với quan điểm phát triển xanh là xu thế tất yếu và là lợi thế cạnh tranh bền vững, TP Hải Phòng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi năng lượng, tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện rác. Đồng thời, thành phố cũng khuyến khích chuyển đổi từ nhiên liệu truyền thống (dầu diesel, xăng, than) sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
“Thành phố đang ban hành Nghị quyết về tăng trưởng xanh và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, kết hợp với thực hiện Luật Hỗ trợ DNVVN. Trong đó, Ban kiến nghị đưa nội dung hỗ trợ DN chuyển đổi, bao gồm chuyển đổi sinh thái, sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm hơn”, ông Hải nói.
Chuyển đổi năng lượng trong KCN không chỉ là bài toán kỹ thuật, còn là thước đo của tầm nhìn phát triển bền vững. Với định hướng đúng đắn từ chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng DN, Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp xanh, hiện đại, góp phần xây dựng nền kinh tế phát thải thấp, thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai bền vững.
Thanh Nga/VOV-Đông Bắc