Hà Nội đẩy nhanh chuyển đổi giao thông xanh: Vượt kế hoạch buýt điện, nhưng vẫn thiếu hạ tầng sạc
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quá trình chuyển đổi giao thông xanh trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hà Nội hướng đến cấm xe máy xăng trên địa bàn Thủ đô. Ảnh minh họa.
Tính đến tháng 7/2025, Hà Nội đã đưa vào khai thác 16 tuyến xe buýt điện với 248 phương tiện, chiếm 12,86% tổng số xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025. Việc chuyển đổi cũng được đẩy mạnh đối với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, khi hiện nay 47,4% taxi đã sử dụng điện và 46,5% xe hợp đồng dưới 9 chỗ cũng đã chuyển đổi.
Đáng chú ý, 23 hãng taxi đã cam kết chuyển đổi 100% sang xe điện trước năm 2030. Cùng với đó, dịch vụ xe đạp công cộng TNGo với 1.100 xe và 118 điểm/trạm đã góp phần tích cực vào việc xây dựng hình ảnh đô thị xanh.
Tuy nhiên, ông Long cũng thẳng thắn chỉ ra hàng loạt khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, chưa có quy chuẩn chung về đầu sạc, trạm sạc, dẫn đến việc các hãng xe không thể dùng chung hạ tầng.
Hà Nội cũng chưa có quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm sạc, nhất là trong khu vực nội đô. Trong khi đó, khung pháp lý cho xã hội hóa đầu tư hạ tầng sạc còn thiếu, khiến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư gặp nhiều rào cản.
Chi phí đầu tư ban đầu cao, đặc biệt với xe buýt điện, muốn đảm bảo tần suất như xe diesel cần đầu tư thêm 40–50% số lượng phương tiện.
Thành phố cũng chưa có chính sách tài chính đủ hấp dẫn, thiếu ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi.
Ngoài ra, vẫn tồn tại tâm lý e ngại về độ bền và phạm vi hoạt động của xe điện và sự phối hợp liên ngành về hạ tầng trạm sạc chưa thực sự hiệu quả.
Cần sớm có chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, đưa 4 tuyến buýt điện vào vận hành trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, với kế hoạch đầu tư hơn 1.000 xe buýt điện từ nay đến 2030, nguồn vốn vay dự kiến vượt quá 3 lần khả năng tài chính hiện tại của doanh nghiệp.
Transerco kiến nghị thành phố sớm ban hành nghị quyết hỗ trợ tài chính cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, trong đó có các cơ chế về lãi vay ưu đãi, tiếp cận vốn thuận lợi.
Ông Nam cũng đề nghị UBND TP Hà Nội sớm ban hành bộ đơn giá, định mức cho buýt điện cỡ vừa và nhỏ ngay trong quý II/2025, để doanh nghiệp có căn cứ đấu thầu và triển khai kịp cho kế hoạch từ 2026.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho rằng: Giai đoạn hiện tại, số lượng trạm sạc còn ít nên chưa ảnh hưởng đến hệ thống điện. Tuy nhiên, từ 2026–2030, nhu cầu sẽ tăng đột biến, cần xác định rõ nhu cầu từng năm, từng loại công suất trạm sạc.
Ông đề xuất thành phố giao một đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chủ trì lập quy hoạch trạm sạc, phấn đấu ban hành quy hoạch trong năm 2025 để ngành điện có cơ sở tính toán nguồn cung.
Đại diện Sở Công thương cũng kiến nghị được giao nhiệm vụ phối hợp với 126 xã, phường và các đơn vị liên quan để rà soát quỹ đất phù hợp xây trạm sạc, từ đó trình UBND thành phố đưa vào quy hoạch triển khai.
Chậm nhất đến năm 2030, 100% xe buýt phải chuyển đổi xanh
Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh dự kiến đến năm 2027 tại Hà Nội đạt 34 - 39%; năm 2028 đạt 47 - 54%; năm 2029 đạt 79 - 89%; năm 2030 là 100%.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Chuyển đổi giao thông xanh là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm lớn của thành phố trong mục tiêu xây dựng đô thị xanh, bền vững.
Từ đây, ông Quyền yêu cầu chậm nhất đến năm 2030 phải hoàn thành 100% chuyển đổi xe buýt sang điện hoặc năng lượng sạch.
Sở Xây dựng chủ trì rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc, nội dung nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương; đồng thời đề xuất cơ chế thí điểm theo tinh thần “vừa làm vừa hoàn thiện”.
Các dự án đô thị mới cần tích hợp quy hoạch trạm sạc; các doanh nghiệp khi triển khai phải phối hợp Sở Xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện và tránh trạm "chui", không đạt chuẩn.
Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng nghị quyết hỗ trợ tài chính, trình HĐND thành phố trong kỳ họp gần nhất.
Cơ quan này cũng cần rà soát lại toàn bộ mạng lưới xe buýt, đặc biệt khu vực vùng phát thải thấp, bổ sung buýt nhỏ phục vụ người dân và du khách, đảm bảo khép kín mạng lưới giao thông nội đô; Hoàn thành bộ đơn giá định mức cho buýt điện cỡ nhỏ, vừa trong quý III/2025.
Lê Tươi