Bày tỏ sự ủng hộ, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng cũng mong muốn thành phố sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu này…
Xe buýt điện đón, trả khách tại điểm dừng, đỗ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Mục tiêu hoàn thành sớm 15 năm
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Theo đó, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt khoảng 70-90% vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2035.
Như vậy, mục tiêu “xanh hóa” xe buýt của thành phố Hà Nội sẽ về đích trước 15 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải (đạt 100% vào năm 2050).
Ngay đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải, gồm: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến sẽ vận hành thí điểm 5 tuyến buýt điện với 76 xe (11 xe loại nhỏ, 65 xe loại trung bình) để xây dựng định mức, đơn giá. Ngoài ra, với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến sẽ chuyển đổi đối với các phương tiện buýt cỡ lớn chạy bằng dầu diesel sang xe buýt điện cỡ lớn (đã có định mức, đơn giá). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5%.
Giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra hạ tầng trạm sạc xe buýt điện Vinbus.
Giai đoạn 2031-2035 chuyển đổi 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, để “xanh hóa” xe buýt như lộ trình nêu trên, Hà Nội cần 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố cần 35.996 tỷ đồng. Còn lại 12.629 tỷ đồng doanh nghiệp phải tự bố trí để mua phương tiện; chi trả một phần chi phí lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Newway Phạm Đức Học cho biết, dù còn không ít khó khăn, song công ty vẫn đang nỗ lực khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư phương tiện và hạ tầng trạm sạc; tuyển dụng lái xe để sớm đưa vào vận hành thí điểm 18 xe buýt điện trên tuyến 47A (Bến xe Gia Lâm - Bát Tràng) và 47B (Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ) vào đầu năm 2025 theo đúng yêu cầu của thành phố. Cùng với đó, tính toán tần suất hoạt động để bảo đảm nguồn điện phục vụ vận hành; cử nhân lực đi học kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa…
Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi
Nhấn mạnh việc ủng hộ chuyển đổi năng lượng xanh, tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp vận tải còn băn khoăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay.
Từ năm 2019, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải đã quy định, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cụ thể theo từng dự án được thành phố phê duyệt. Nhưng đến nay, điều này vẫn chưa được cụ thể hóa. Trong khi đó, thời điểm hiện tại, mức hỗ trợ 50% này cũng không còn phù hợp vì chi phí lãi vay mua xe điện tăng hơn nhiều so với mua xe buýt diesel do giá xe điện tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được thành phố tăng mức hỗ trợ lên 70% và tăng thời gian hỗ trợ thành toàn bộ thời gian vay vốn theo dự án thay vì chỉ hỗ trợ 5 năm.
“Để bảo đảm triển khai việc chuyển đổi đúng tiến độ đề ra, doanh nghiệp mong muốn sớm có những cơ chế, chính sách cụ thể hóa chủ trương của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện như: Hỗ trợ lãi vay nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chuyển đổi phương tiện, đầu tư trạm sạc; ưu tiên nguồn điện phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng…”, Phó Tổng Giám đốc Transerco Ngô Xuân Phú kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, cơ quan chức năng sẽ có từng bộ định mức riêng biệt và có bộ tiêu chuẩn chung trong quản lý cung ứng dịch vụ, bảo đảm sự đồng bộ. Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND đã định ra việc hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian đầu, nhưng quá trình thực hiện còn vướng mắc và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang đánh giá, điều chỉnh lại các điều khoản cho phù hợp.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, kể từ khi Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND được ban hành, tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có duy nhất 1 đơn vị (Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi vay cho đoàn phương tiện buýt sử dụng khí CNG (139 xe buýt khí CNG) đã đầu tư mua sắm. Tuy nhiên, do vướng mắc liên quan đến: (1). Chưa có quy định cụ thể về hạn mức lãi vay được hỗ trợ lãi suất; (2). Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư mua sắm phương tiện (theo Nghị quyết 07/2019 thì phải được UBND thành phố phê duyệt). Theo đó, đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này.
Tuấn Lương