Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh (đứng giữa) tại Đại hội X MTTQ Việt Nam.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghệ An đã chủ động triển khai chuyển đổi số với lộ trình bài bản, giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn; đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với VNPT Nghệ An, tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính, từ việc hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, đến việc xây dựng các nền tảng tương tác trực tuyến với người dân. Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xác định đây là "nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược", hướng tới mục tiêu "Đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng công nghệ số". Việc xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch Chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc để triển khai đồng bộ và cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, đã tạo ra động lực mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chính trị cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Mặt trận.
Trên hành trình chuyển đổi số đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hứng khởi, MTTQ Nghệ An đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong ứng dụng công nghệ với 6 nhóm nội dung:
(1) Hệ thống quản lý văn bản, chữ ký số, đã giúp công việc trở nên nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian, để giúp cán bộ dành nhiều thời gian hơn xuống cơ sở;
(2) Hội nghị truyền hình trực tuyến, đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, tạo điều kiện cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin;
(3) Các phần mềm quản lý chuyên môn, đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến hài lòng của người dân, quản lý các loại quỹ; đặc biệt là phần mềm báo cáo định kỳ, giúp công tác báo cáo nhanh chóng, chính xác, thống nhất, đồng bộ, hạn chế sai sót;
(4) Số hóa cơ sở dữ liệu, đã tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động;
(5) Việc thí điểm xây dựng hệ thống quản lý phản ánh, tương tác với người dân, đã tạo môi trường thuận lợi để Mặt trận lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả 203 công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
(6) Mở rộng kênh thông tin, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, đã được thiết lập và vận hành hiệu quả, giúp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo môi trường tương tác hai chiều với người dân.
Với quyết tâm chuyển đổi số, trong những năm qua, MTTQ Nghệ An đã đạt được những kết quả:
Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong lòng dân, với bộ nhận diện hình ảnh thống nhất, chuyên nghiệp, từ tài liệu đến đồng phục, tạo nên dấu ấn riêng biệt và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Truyền thông số hiệu quả với 4.784 trang cộng đồng, riêng Fanpage "Mặt trận Nghệ An" có hơn 291.400 người thích và theo dõi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của Mặt trận trên không gian mạng. Kết quả vận động nguồn lực xã hội đạt gần 5.625,5 tỷ đồng (bằng 3 lần nhiệm kỳ trước); có 13.385 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (đạt 267,7% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ), được đánh giá là “Nhiệm kỳ của an cư, lạc nghiệp”.
Kết nối cộng đồng thiện nguyện trong tỉnh với 182 nhóm và 78.000 thành viên, góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, với tổng giá trị thiện nguyện trên 430 tỷ đồng.
Góp phần tích cực trong Phong trào xây dựng Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Có thể nói, đây chính là những con số của lòng dân, là minh chứng sống động về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về niềm tin của Nhân dân đối với MTTQ; là tiền đề từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số - năng động, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với thời đại công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ thực tiễn, Mặt trận Nghệ An cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức như khó thay đổi tư duy và nhận thức từ cách làm việc truyền thống sang môi trường số, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở. Thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa là một trở ngại lớn cho chuyển đổi số… Từ đó, xin kiến nghị như sau:
- Đề nghị Mặt trận Trung ương sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
- Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hệ sinh thái số cho Mặt trận: Cần xây dựng và phát triển các nền tảng, ứng dụng số chuyên biệt, dùng chung cho toàn hệ thống Mặt trận, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ và hiệu quả; nhất là ứng dụng di động MTTQ.
- Cần nâng cao năng lực số cho cán bộ Mặt trận và Nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho mọi người, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
- Cần tăng cường tận dụng sức mạnh của Đề án 06, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giám sát, phản biện xã hội và tương tác với Nhân dân.
- Cần phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số.
- Nghiên cứu xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số, gắn với hình mẫu "Công dân số" trong hệ thống Mặt trận, với sự nhiệt huyết, tận tụy, gần dân, hiểu dân, sẵn sàng phục vụ Nhân dân trong kỷ nguyên số; sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng hội nhập và ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ 4.0. Luôn tiên phong trong việc trở thành những "Công dân số" gương mẫu, có đủ năng lực số, kỹ năng số và ý thức trách nhiệm trong môi trường số.
Chuyển đổi số còn là hành trình gian nan nhưng chúng tôi tin rằng công nghệ số thực sự là động lực quan trọng đưa đất nước ta vươn mình vượt bậc. Chuyển đổi số cũng sẽ đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.
VÕ THỊ MINH SINH Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An