Đại tướng Phan Văn Giang và các đại biểu dự hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính và công tác chuyển đổi số. Ảnh: Báo QĐND
Đối với thanh niên Quân đội, đặc biệt là học viên, sinh viên trong các học viện, nhà trường quân đội đây là môi trường vừa là cơ hội để học tập, phát triển trí tuệ, vừa là nơi đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa văn hóa cách mạng. Trong các nhà trường quân đội, thanh niên không chỉ học tập lý luận chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật mà còn được rèn luyện ý chí, đạo đức, phong cách, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng, yếu tố cốt lõi để trở thành “chiến sĩ số” trên không gian mạng.
Nhiều học viên, sinh viên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các đội tuyên truyền viên trẻ, tổ phản ứng nhanh, nhóm lan tỏa thông tin tích cực trên các nền tảng số. Họ không chỉ chia sẻ thông tin chính thống, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, mà còn tham gia phát hiện, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch bằng lý lẽ sắc bén và thái độ kiên quyết. Văn hóa quân sự trong môi trường nhà trường quân đội là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc, lý tưởng cách mạng và tinh thần hiện đại. Đó là môi trường rèn luyện tác phong chính quy, lối sống kỷ luật, tư duy biện chứng, và đạo đức cách mạng là những giá trị giúp thanh niên quân đội ứng xử chuẩn mực, văn minh, đúng luật định trên không gian mạng. Việc lan tỏa văn hóa học đường quân sự là góp phần xây dựng thế trận lòng dân từ sớm, từ xa, từ trong môi trường mạng. Khi mỗi học viên quân đội biết “tự đề kháng” với cái xấu, cái độc, giữ mình trước cám dỗ, đồng thời biết lan tỏa điều hay, lẽ phải, thì chính họ đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng phương thức mềm, hiệu quả và bền vững.
Các học viện, nhà trường quân đội đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu lớn, lớp học số, hệ thống học liệu điện tử... Đây vừa là điều kiện thuận lợi để học viên tiếp cận tri thức hiện đại, vừa là môi trường để thanh niên thể hiện vai trò tiên phong trong học tập, nghiên cứu, làm chủ công nghệ. Nhiều học viên đã tích cực tham gia các hội thi về chuyển đổi số, sáng tạo công nghệ, phát triển phần mềm phục vụ huấn luyện - đào tạo. Một số nhà trường đã thành lập mô hình “tổ công nghệ số cộng đồng” ngay trong đơn vị, kết nối với lực lượng tuyên truyền viên, qua đó phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng.
Trong bối cảnh tác chiến không gian mạng đang ngày càng khốc liệt, yêu cầu đặt ra là mỗi đoàn viên, thanh niên trong nhà trường quân đội phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ công nghệ, tư duy phản biện và khả năng xử lý tình huống trên mạng. Cần xây dựng các phong trào thi đua mang tính đặc thù như: “Chiến sĩ số học đường”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một bài viết hay”, “Mạng xanh tư tưởng, mạng sạch thông tin”, gắn với các hoạt động đoàn, câu lạc bộ chính trị học thuật trong đơn vị. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ cũng cần đóng vai trò nêu gương, hướng dẫn, định hướng nhận thức và hành động cho học viên, qua đó tạo thành “lực hấp dẫn tư tưởng”, giúp thanh niên phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ trong môi trường học đường hiện đại.
Vậy trách nhiệm của cán bộ, học viên, chiến sĩ trong nhà trường hôm nay là lực lượng cơ bản kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ. Trên mặt trận số, cần tiếp tục phát huy phẩm chất cách mạng, bản lĩnh văn hóa, tinh thần xung kích để trở thành những “chiến sĩ số” tiêu biểu, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh, Quân đội hiện đại, gắn với trách nhiệm và nhiệm vụ để đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả cao. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tạo sức mạnh đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
(*) Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng
Thượng tá, ThS Nguyễn Hữu Quý (*)