100% cơ sở KCB bằng CCCD
Đi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) với bà Nguyễn Thị Thoan ở Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu như trước kia để đi KCB lúc nào cũng phải phụ thuộc vào tấm thẻ BHYT thì giờ bà đi khám chỉ cần mang theo điện thoại có cài đặt bảo hiểm số của BHXH Việt Nam (VsID) hoặc mang theo căn cước công dân (CCCD) là dễ dàng KCB BHYT như mong muốn.
Cơ sở y tế tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân
“Trước kia dùng thẻ BHYT giấy rất bất tiện vì nhiều khi để bị ướt, rách nên phải đi đổi lại. Việc cấp đổi lại cũng không dễ dàng nhất là với người cao tuổi . Tuy nhiên từ khi ngành BHXH chuyển đổi số, thực hiện “số hóa” các thủ tục tôi thấy rất thuận tiện. Đơn cử như đi KCB chỉ cần mở ứng dụng VsID, hoặc mang theo CCCD. Còn với lĩnh lương hưu chỉ cần kê khai thông tin làm thẻ ATM cá nhân là có thể dễ dàng nhận lương hưu qua tài khoản”, bà Thoan phấn khởi chia sẻ.
Có được kết quả trên, ngành BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực không ngừng trong việc triển khai Đề án 06. Chia sẻ về quá trình triển khai Đề án 06 tại BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để thực hiện mục tiêu của Đề án 06/ĐA-CP, cơ quan BHXH đã tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành BHXH với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đến nay, các cơ sở KCB toàn tỉnh thực hiện KCB bằng CCCD là 180/180, đạt 100% cơ sở KCB thực hiện tra cứu thông tin KCB bằng thẻ căn cước công dân; số lượng đã tra cứu là 1.531.136 lượt và thành công là 1.222.923 lượt đạt 79,9%; số lượng căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT là 1.112.578 người.
Cán bộ BHXH tỉnh Vĩnh Phúc giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT
Về công tác cập nhật làm sạch thông tin người tham gia, hằng tháng, BHXH tỉnh thường xuyên, chỉ đạo cán bộ, viên chức nhất là các bộ phận chuyên môn thực hiện việc rà soát, đồng bộ dữ liệu trên phần mềm với cơ sở dữ liệu của người lao động, người tham gia BHXH, BHYT. Nhờ đó, đến nay BHXH tỉnh đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gồm cả CMND/CCCD/định danh cá nhân(ĐDCN) với số lượng là 1.112.578/1.138.130 đạt 97,75% người lao động đang tham gia BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Hướng đến 100% người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và các chính sách BHXH thanh toán bằng tài khoản là mục tiêu mà ngành BHXH Vĩnh Phúc hướng đến. Để đạt mục tiêu này, ngành BHXH Vĩnh Phúc đã thực hiện phối hợp với Phòng PC06 - Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thống nhất các nội dung làm sạch dữ liệu thông tin công dân đối với các trường hợp đang được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, đã ban hành các văn bản để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nhận các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể như: Công văn số 450 /BHXHKHTC ngày 10/4/2024 về thực hiện quy trình phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Công văn số 691/BHXH-KHTC ngày 30/5/2024 về việc phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, văn bản số 1471/BHXH-KHTC ngày 25/10/2024 về việc giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH huyện, thành phố.
Cán bộ BHXH tỉnh Vĩnh Phúc giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT
Với những nỗ lực trên tính đến tháng 11/2024, người nhận trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM đạt tỷ lệ 100%; số người nhận trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức đạt tỷ lệ 100%; người nhận trợ cấp BHXH 1 lần đạt tỷ lệ 97%. Riêng với chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua ATM BHXH tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đạt tỷ lệ 100%.
Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Duy Phương, không hề dễ dàng bởi Vĩnh Phúc với đặc trưng tỷ lệ dân cư sinh sống ở vùng nông thôn khá lớn, cuộc sống người dân còn khó khăn nên thói quen dùng tiền mặt vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi từ chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội sang chi trả qua ATM đem lại nhiều lợi ích vì vậy, ngành BHXH tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm hoàn thành mục tiêu trên.
Cùng với việc tuyên truyền triển khai chi trả không dùng tiền mặt BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, hỗ trợ các cơ sở KCB thực hiện triển khai hiệu quả việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tính đến tháng 11, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp được 71.154 giấy khám sức khỏe lái xe, 87 giấy báo tử, 30.165 giấy chứng sinh; đồng thời để đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT nhất là quyền lợi trong khám chữa bệnh của người tham gia. BHXH tỉnh đã tham mưu, phối hợp tăng cường triển khai cài đặt sử dụng ứng dụng VssID; đồng thời, chủ động hướng dẫn người lao động và nhân dân tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng phần mềm BHXH số - VssID thông qua các hội nghị truyền thông, lễ ra quân; hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thành phố; cấp phát các ấn phẩm truyền thông…
Khanh Lê