Huyện Đơn Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất thông minh
Mục tiêu trước mắt trong năm 2025, huyện Đơn Dương triển khai 100% các xã, thị trấn, các khu du lịch có dịch vụ di động 5G, trong đó xây dựng xã Lạc Lâm đạt chuẩn nông thôn mới thông minh; ứng dụng công nghệ 4.0 giải quyết các vấn đề cấp thiết về cảnh báo cháy rừng, số hóa di tích, công nghệ 3D bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Đến năm 2030, phấn đấu đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực, xếp hạng chính quyền số trong nhóm dẫn đầu của tỉnh. Cụ thể, đạt tỷ lệ 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dân số trưởng thành có kỹ năng số cơ bản, giao dịch không dùng tiền mặt; trên 55% đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế; tối thiểu 30% tổng giá trị sản phẩm quy mô kinh tế số; trên 10% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Huyện Đơn Dương bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 10 người trên một vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng hàng năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.
Đồng thời, huyện Đơn Dương phát triển mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, ứng dụng có hiệu quả một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G và một số công nghệ mới nổi; đạt tỷ lệ 100% người sử dụng có khả năng truy nhập băng rộng cố định với tốc độ trên 1Gb/s. Báo cáo của huyện Đơn Dương còn nhấn mạnh thêm mục tiêu đến năm 2030: “Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số. Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao trong tỉnh. Đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu...”. Trên nền tảng đó, huyện Đơn Dương tầm nhìn đến năm 2045 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 10%; trên 70% sản phẩm, dịch vụ chủ lực và 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; thu hút một số tổ chức, doanh nghiệp công nghệ có uy tín trong và ngoài nước đặt trụ sở, nhà máy, trung tâm nghiên cứu, sản xuất tại địa phương.
Để đạt các mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong từng giai đoạn, huyện Đơn Dương đẩy mạnh sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, logistics, du lịch. Cụ thể, triển khai các nền tảng số về giám sát, thu thập dữ liệu môi trường, quản lý tài nguyên, thiên nhiên, nguồn nước, chất thải; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, huyện Đơn Dương đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch để thu hút khách du lịch; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích; xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao; khuyến khích, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia sáng tạo, sản xuất các sản phẩm văn hóa số tích cực, số hóa các di sản, thư viện...
Ngoài ra, triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; xây dựng, công bố danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn về chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra giá trị thiết thực, làm chủ công nghệ; chuyển giao những thành tựu công nghệ số hiện đại từ nước ngoài ứng dụng hiệu quả các lĩnh vực trên địa bàn...
VĂN VIỆT