Chuyển đổi số Đồng Tháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Chuyển đổi số Đồng Tháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
3 ngày trướcBài gốc
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số
Với những chuyển biến tích cực về chuyển đổi số trong năm 2024, Đồng Tháp hiện đã có hơn 1.400 dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được triển khai; tích hợp hơn 1.700 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hỗ trợ mua, thuê giải pháp chuyển đổi số cho 44 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Đồng Tháp vận hành từ giữa năm 2022 với những công nghệ tiên tiến như IoT (camera và các thiết bị quan trắc). Đến nay, IOC tỉnh đã triển khai 18 phân hệ giám sát ở cả ba trụ cột của đề án chuyển đổi số.
Trung tâm chuyển đổi số tỉnh tiếp tục được đầu tư và phát huy hiệu quả trong năm 2024. Ảnh: TTCĐS Đồng Tháp
Sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, hạ tầng số, công nghệ kết nối vạn vật, đã tăng cường phục vụ công tác chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu sử dụng của người dân.
Năm 2024, Đồng Tháp có tỷ lệ người dân trưởng thành dùng điện thoại thông minh vượt kế hoạch đề ra, đạt 97,5% (kế hoạch là 80%); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 101% (kế hoạch là 80%).
Bên cạnh đó, công tác quản lý báo chí được tăng cường, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, kịp thời thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, định hướng dư luận.
Các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động đúng quy định pháp luật, bám sát chỉ đạo định hướng của Trung ương, của tỉnh, thông tin, tuyên truyền kịp thời và toàn diện tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và cả nước, đưa chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Theo đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp, công cuộc chuyển đổi số tại Đồng Tháp đến nay đã gặt hái nhiều kết quả. Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đã khẳng định vị thế tiên phong của Đồng Tháp trên hành trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phát triển công dân số
Năm 2024, Sở TT&TT triển khai Kế hoạch phát triển công dân số. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc trở thành công dân số trong thời đại số; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho người dân để từ đó thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt; tích cực tham gia sử dụng nền tảng số do các cấp chính quyền triển khai để trở thành công dân số, thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số.
Mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển công dân số gắn khả năng truy cập các nguồn thông tin số cho người dân; giúp người dân có khả năng truy cập, giao tiếp trong môi trường số; nắm được kỹ năng số cơ bản; hiểu được quyền, trách nhiệm trong môi trường số; bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Trong đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch là trên 70% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản; trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 10% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; trên 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; 100% dân số trưởng thành có danh tính số kèm theo QR code…
Để thực hiện, Sở TT&TT đã phối hợp Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức ra quân tổ công nghệ số cộng đồng và phát động cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số trên ứng dụng e-Dongthap, hưởng ứng ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Đồng thời, tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyển đổi số cho hơn 64.000 lượt cán bộ tham gia; hỗ trợ gần 345.000 người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Để tăng cường công tác phát triển công dân số, tỉnh đã thành lập được hơn 760 Tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp khóm, ấp đến cấp xã, phường. Các Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông tổ chức nhiều đợt ra quân cài đặt ứng dụng điện tử, hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng, cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi thuê bao từ 2G sang 4G...
Ngoài ra, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng e-Dongthap; cài đặt chữ ký số cá nhân; cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển công dân số, hướng tới mục tiêu toàn tỉnh có 100% dân số trưởng thành có danh tính số kèm theo QR code; 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; trên 70% dân số có kiến thức, kỹ năng số cơ bản...
Hải Phong
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-dong-thap-mang-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-2358718.html