Chuyển đổi số đưa Bình Dương vươn xa

Chuyển đổi số đưa Bình Dương vươn xa
3 ngày trướcBài gốc
Một trong 7 nền tảng chính về thành quả chuyển đổi số tại Bình Dương là Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh (IOC).
Thành quả được kiểm chứng
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nền tảng cho công cuộc hòa nhập xu thế thời kỳ công nghiệp 4.0. Tại Bình Dương, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022, Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện, bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vượt qua khó khăn, thách thức, sau 2 năm thực hiện, Bình Dương đạt nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Bình Dương đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt như xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, khẳng định vị thế tiên phong trong cả nước. Cụ thể, tỉnh đã triển khai 7 nền tảng chính, gồm Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh (IOC), và các ứng dụng như “Chính quyền số” và “Bình Dương số”. Các nền tảng này đã thu hút hơn 91.321 lượt cài đặt và 1,8 triệu lượt truy cập. Bình Dương hoàn thành 753 dịch vụ công trực tuyến và đồng bộ hơn 450.000 hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), đồng thời tổ chức các sự kiện như ngày Chuyển đổi số quốc gia và tọa đàm về chuyển đổi số. Bình Dương cũng tập trung phát triển hạ tầng số và an toàn thông tin, với 100% cơ quan hành chính được trang bị hệ thống mạng nội bộ và bảo mật.
Về phát triển kinh tế số, tỉnh đã hoàn thiện hạ tầng và ứng dụng mạng 5G cho công nghiệp và thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử với hơn 600 doanh nghiệp tham gia tại website binhduongtrade.vn. Đồng thời, tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Trong lĩnh vực xã hội số, tỉnh đã triển khai các thành phần cơ bản của công dân số, như cáp quang băng rộng, tài khoản định danh và chữ ký số. Đến nay, 1,76 triệu người dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2. Kết quả này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Khu Công nghệ Thông tin tập trung Bình Dương quy mô 15,47 ha đang trình đề án thành lập thuộc một phần trong tổng thể Công viên khoa học công nghệ tại trung tâm thành phố mới có diện tích gần 220 ha. Đây sẽ là “bộ não” của hệ sinh thái khoa học công nghệ tỉnh, hỗ trợ nghiên cứu phát và phát triển (R&D), khởi nghiệp, tự động hóa và chuyển đổi số. Khi hoàn thành, khu công nghệ này sẽ đóng góp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ.
Tiếp tục là “người tiên phong”
Thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số là đóng góp quan trọng để Bình Dương trở thành một tỉnh văn minh, giàu mạnh, phát triển xanh, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị thiết thực cho người dân.
Theo Quyết định 790/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp thông minh, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Quy hoạch cũng nhấn mạnh phát triển khu công nghiệp, hạ tầng giao thông và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến.
Với giải pháp đồng bộ và sự định hướng chiến lược rõ ràng từ quy hoạch, Bình Dương sẽ không chỉ duy trì đà phát triển mà còn khẳng định vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế, tạo dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế bền vững trong kỷ nguyên số, tạo điều kiện cho Bình Dương trở thành điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số của cả nước.
Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương cho biết: Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh sẽ đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các hệ thống công nghệ trong sản xuất, giáo dục, y tế và chính quyền điện tử. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao như AI, IoT và blockchain, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các chính sách ưu đãi chuyển đổi số.
Ông Lê Tuấn Anh khẳng định: Để thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tại Bình Dương, chúng tôi đề xuất một số nội dung vào văn kiện đại hội. Đầu tiên, cần đẩy mạnh hạ tầng số, triển khai mạng 5G và xây dựng nền tảng dữ liệu mở để kết nối các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Về dịch vụ thông minh, cần triển khai giao thông thông minh, giám sát môi trường bằng IoT, và phát triển y tế và giáo dục thông minh.
Để thúc đẩy kinh tế số, tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành công nghiệp công nghệ cao, và tạo môi trường thử nghiệm công nghệ mới như AI, blockchain và năng lượng tái tạo. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác quốc tế để thu hút nhân tài và chuyển giao công nghệ là yếu tố cốt lõi. Cuối cùng, hoàn thiện mô hình hợp tác 3 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp) giúp tăng cường vai trò của các trường đại học và viện nghiên cứu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ.
“Những đề xuất này không chỉ giúp Bình Dương phát triển thành đô thị thông minh mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước” - ông Lê Tuấn Anh nói.
Chuyển đổi số không chỉ là động lực phát triển mà còn là con đường để Bình Dương khẳng định vị thế. Với chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, Bình Dương sẽ tiếp tục tiên phong, tạo dựng những thành tựu vượt bậc trong tương lai. Đây là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh và người dân Bình Dương.
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt 11,34%, khoảng 70.000 doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt 92%; và 86,3% hộ gia đình có kết nối Internet băng thông rộng. Bình Dương đã phát triển 266 điểm truy cập Wifi công cộng, giúp người dân tiếp cận Internet miễn phí.
Công Danh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/chuyen-doi-so-dua-binh-duong-vuon-xa-392070.html