Ông Mike Suffield - Giám đốc Chính sách và nghiên cứu chuyên sâu của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) toàn cầu cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, yêu cầu về minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững đang trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tài chính, kế toán.
AI với khả năng xử lý dữ liệu lớn, học máy và tự động hóa đang trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển đổi trong cách thức các tổ chức sản xuất và sử dụng thông tin phát triển bền vững. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội tiềm năng, AI cũng mang theo những thách thức về đạo đức, minh bạch và tác động môi trường.
Đi kèm với những cơ hội tiềm năng, AI cũng mang theo những thách thức về đạo đức, minh bạch và tác động môi trường trong quá trình chuyển đổi số ESG - Ảnh: IT
Chu trình sản xuất thông tin bền vững
Theo ông Mike Suffield, 8 giai đoạn chính trong chu trình sản xuất thông tin phát triển bền vững, bao gồm: Hiểu mục tiêu báo cáo; thiết lập bối cảnh báo cáo; xác định thông tin trọng yếu cần báo cáo; xác định nhu cầu dữ liệu; thu thập dữ liệu; báo cáo dữ liệu đã thu thập; sử dụng thông tin để ra quyết định; xác minh và cải tiến liên tục
Quy trình 8 bước này giúp định hướng một quá trình chuẩn hóa, có thể lặp lại và nâng cấp cho báo cáo phát triển bền vững. AI đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ xuyên suốt chu trình, từ thu thập đến phân tích, trình bày và tối ưu hóa báo cáo.
Rào cản hiện hữu
Tuy AI có nhiều tiềm năng, nhưng việc ứng dụng AI trong báo cáo phát triển bền vững không hề đơn giản. Theo ông Mike Suffield, có 2 rào cản chính đang làm chậm quá trình chuyển đổi số ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Một là, thiếu dữ liệu chất lượng và hệ thống liên thông: AI cần dữ liệu lớn và chất lượng cao để hoạt động chính xác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức vẫn lưu trữ dữ liệu phân tán, thiếu chuẩn hóa, và ít có khả năng kết nối giữa các hệ thống tài chính và phi tài chính. Đặc biệt, các chỉ số ESG đòi hỏi phải có dữ liệu định lượng khách quan và minh bạch - điều mà nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được.
Hai là, quyết định sai lầm do hiểu sai AI hoặc phụ thuộc thái quá: Một rủi ro đáng lo ngại là việc sử dụng AI mà không hiểu rõ giới hạn và logic vận hành của nó. Nếu nguồn dữ liệu đầu vào không phù hợp, thuật toán chưa được kiểm định, hoặc tổ chức không đặt đúng câu hỏi, AI có thể đưa ra các khuyến nghị sai lệch. Việc dựa hoàn toàn vào kết quả AI mà không có kiểm chứng con người sẽ làm mất đi giá trị cốt lõi của thông tin hữu ích.
Rủi ro đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp kế toán
Ông Mike Suffield nhấn mạnh rằng các chuyên gia tài chính và kế toán, khi ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững, cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể là:
Chính trực: Luôn trung thực, không làm sai lệch kết quả vì mục đích thương mại hay để cải thiện hình ảnh.
Khách quan: Đánh giá kết quả do AI đưa ra một cách độc lập, không để cảm tính hay thiên kiến chi phối.
Năng lực và sự cẩn trọng: Phải hiểu rõ cách thức AI hoạt động, không ỷ lại hay giao phó hoàn toàn cho hệ thống.
Hành xử chuyên nghiệp: Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và chuẩn mực ngành nghề.
Bảo mật: Bảo vệ thông tin nhạy cảm, đặc biệt là dữ liệu cá nhân và dữ liệu ESG.
"AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế tư duy và đánh giá của con người. Chính sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tư duy phản biện sắc sảo mới tạo nên những thông tin ESG thực sự hữu ích và đáng tin cậy", ông Mike Suffield khẳng định
Hệ lụy môi trường của AI
Dữ liệu thực tế cho thấy tác động môi trường của AI là không nhỏ. Đơn cử như trong năm 2022, hai công ty lớn công nghệ toàn cầu là Google và Microsoft đã sử dụng lượng nước làm mát cho các trung tâm dữ liệu của họ tương đương với mức tiêu thụ nước của khoảng 700.000 hộ gia đình Mỹ. Đây là một con số đáng báo động, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và áp lực từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Không dừng lại ở đó, các mô hình AI tạo sinh (Gen AI), vốn được sử dụng phổ biến để tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh, cũng tiêu tốn năng lượng ở mức rất cao. Chỉ một lần tạo hình ảnh bằng AI có thể tốn lượng điện tương đương từ 1 đến 900 lần sạc điện thoại di động (tùy thuộc vào độ phức tạp của mô hình và hạ tầng xử lý). Khi việc tạo hình ảnh, sinh nội dung và mô phỏng bằng AI được thực hiện hàng triệu lần mỗi ngày trên toàn cầu, tác động tích lũy của nó đến lượng khí thải carbon và tiêu thụ tài nguyên trở nên vô cùng lớn.
"Liệu việc ứng dụng AI quy mô lớn trong các hệ thống quản trị ESG có thực sự góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững một cách toàn diện? Hay chúng ta đang vô tình xanh hóa công nghệ bằng một lớp vỏ bề ngoài, trong khi bản chất vẫn tiếp tục gia tăng dấu chân sinh thái và áp lực lên tài nguyên môi trường?", ông Mike Suffield đặt câu hỏi
Việc tích hợp AI vào báo cáo bền vững rõ ràng mang lại những lợi ích không thể phủ nhận. Nhưng để công nghệ này thực sự phục vụ cho mục tiêu "xanh" được kỳ vọng thì cần phải có cái nhìn toàn diện hơn, không chỉ dừng lại ở hiệu quả đầu ra mà còn xét đến chi phí môi trường của quá trình đầu vào.
Thay đổi văn hóa doanh nghiệp trong ứng dụng AI bền vững
Để bảo đảm việc ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững diễn ra một cách hiệu quả và có trách nhiệm, yếu tố then chốt không nằm ở công nghệ, mà ở con người. Đào tạo liên tục và sự chuyển biến trong văn hóa tổ chức chính là nền tảng giúp doanh nghiệp thích nghi và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. AI chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được sử dụng bởi đội ngũ nhân sự có kiến thức sâu về công nghệ, hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp và có khả năng tư duy phản biện.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán - tài chính cần được phát triển kỹ năng đánh giá rủi ro đạo đức, yếu tố không thể thiếu khi ra quyết định dựa trên thuật toán. Việc làm quen và khai thác hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ như AI Monitor (công cụ AI giám sát và phân tích dữ liệu ESG tự động) hay Sustainability Reporting Hub (nền tảng tập hợp và công bố báo cáo bền vững) sẽ giúp các tổ chức nâng cao chất lượng báo cáo và năng lực quản trị thông tin bền vững.
Chỉ khi doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự có đủ hiểu biết và năng lực công nghệ, họ mới có thể tích hợp AI vào chuỗi hoạt động ESG một cách tự tin, mà không phải đánh đổi các giá trị cốt lõi như minh bạch, liêm chính và đạo đức nghề nghiệp.
Theo ông Mike Suffield, AI đang mở ra những cơ hội to lớn trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Với khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng, phân tích sâu sắc và hỗ trợ ra quyết định hiệu quả, AI có thể trở thành đòn bẩy quan trọng giúp hiện thực hóa các mục tiêu ESG. Tuy nhiên, công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người, đặc biệt trong những quyết định mang tính đạo đức, chiến lược dài hạn và liên quan đến nhiều bên.
Chính vì vậy, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực ESG cần được thực hiện một cách thận trọng, có chiến lược và trách nhiệm. Các tổ chức cần xây dựng một cách tiếp cận toàn diện, bắt đầu từ việc ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch về ứng dụng AI trong tài chính và quản trị bền vững. Đồng thời, các tổ chức cũng cần phát triển một hệ thống dữ liệu quốc gia được chuẩn hóa, có khả năng kết nối liên thông giữa các lĩnh vực và ngành nghề.
"Chỉ khi AI được vận hành trên nền tảng dữ liệu đáng tin cậy, trong một hệ thống quản trị minh bạch và do con người điều phối có trách nhiệm, chúng ta mới có thể khẳng định rằng công nghệ này đang phục vụ đúng sứ mệnh phát triển bền vững", ông Mike Suffield nhấn mạnh.
Tuyết Nhung