Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư - cuộc kết nối lịch sử
Những ngày cuối tháng 4-2025, gia đình ông Chu Nghiêm (trú tại quận Hoàng Mai, nguyên cán bộ Công an Hà Nội) chẳng thể nào vui hơn khi cha con gặp nhau mừng mừng tủi sau hơn 50 năm thất lạc. Năm 1968 ông là cán bộ của Công an Hà Nội, hai vợ chồng được bố trí ở tại Phòng Bưu điện thuộc ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay). Ngày 16-12-1968, cô con gái lớn của ông tên là Chu Thị Tuyết Mai (khi đó chưa đầy 2 tuổi) đi chơi rồi bị lạc và được một đôi vợ chồng tìm thấy đưa về Bắc Giang..
Ngày 19-12-1968, Công an Hà Nội đã phát đi thông báo gửi công an các “khu, huyện, đội” về việc truy tìm trẻ lạc. Trong suốt 57 năm qua, ông Chu Nghiêm chưa bao giờ tắt hy vọng tìm lại được con mình. Ông vẫn còn nhớ như in về cô con gái bé bỏng với khuôn mặt trái xoan và lần tổ chức sinh nhật đầu tiên cho con chỉ là vài bông hoa cùng bữa cơm gia đình ngon hơn ngày thường. “Tôi nhớ cả khi cho con bé ngồi sau xe đạp chở đi chơi và bị ngã. Ngày hôm đó, vợ tôi đang nằm ở trong nhà trông bé mới sinh, cháu Mai tự đi chơi loanh quanh gần nhà là ga Hàng Cỏ. Lúc thất lạc con, tôi mới hỏi người ta xem thời gian ấy có những chuyến tàu nào, đi đâu. Nhưng tôi bị nhầm hướng, tôi nghĩ là tàu đi lên Thái Nguyên. Mà chuyến tàu thực sự là đưa con tôi lên Bắc Giang. Cũng đã có năm tôi đi xe máy lên Thái Nguyên để tìm con và suốt bao năm tháng, tôi đã đi nhiều nơi, tìm nhiều manh mối, cũng đã thử ADN với một vài trường hợp nhưng đều không phải” - ông Chu Nghiêm chia sẻ về hành trình tìm con của mình. Ông còn gửi thư lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm kiếm những tia hy vọng mong manh…
Về phần người con gái Chu Thị Tuyết Mai được bố mẹ nuôi đưa về Bắc Giang, đặt cho cái tên mới là Nguyễn Thị Thủy. Sau này, bà được bố mẹ nuôi cho biết bà bị lạc ở ga Hàng Cỏ, không rõ bố mẹ ruột là ai. Từ khi biết tin, bà Thủy luôn hy vọng sẽ tìm gặp người thân của mình. Nhưng vì lúc đấy còn quá nhỏ, bà Thủy không nhớ được thông tin gì về bản thân. Tình cờ qua những clip chương trình “Như chưa hề có cuộc ly” đăng tải trên mạng xã hội về một cựu cán bộ công an (ông Chu Nghiêm) ở Hà Nội đã 57 năm tìm con gái bị thất lạc ở ga Hàng Cỏ. Thời điểm con gái ông Chu Nghiêm bị thất lạc cũng trùng vào thời điểm bà bị lạc gia đình, nhưng bà lại không có cách để liên hệ với ông Chu Nghiêm. Mang mong ước tìm lại bố mẹ ruột, ngày 24-3 vừa qua, bà về ga Hà Nội với hy vọng sẽ có thêm manh mối. Bà Thủy đã hỏi thăm nhiều người ở ga Hà Nội về một gia đình cán bộ công an từng sinh sống tại đây bị thất lạc con gái nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì thời gian trôi quá lâu. Được người dân chỉ dẫn, bà Thủy tìm đến tổ công tác của Công an phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm đang làm nhiệm vụ tại Ga Hà Nội nhờ hỗ trợ.
Tại Công an phường, sau khi tiếp nhận thông tin, Đại úy Nguyễn Duy Long đã báo cáo chỉ huy đơn vị về sự việc đi tìm người thân của bà Nguyễn Thị Thủy. Trung tá Nguyễn Huy Quý - Trưởng Công an phường Cửa Nam đã ngay lập tức trực tiếp huy động, chỉ huy lực lượng rà soát hồ sơ nhân hộ khẩu trên địa bàn. Quá trình rà soát trên sổ sách với thông tin ít ỏi rất khó khăn và gần như không có kết quả về cái tên Chu Nghiêm. Rất may mắn tại thời điểm này, CATP Hà Nội đang triển khai thực hiện mô hình không tổ chức Công an cấp huyện, tổ cấp Căn cước công dân của CAQ Hoàn Kiếm cũ được đưa về Công an phường Cửa Nam. Ngày hôm đó, Đại úy Trần Thị Thùy Linh đang trực máy đã được chỉ đạo mở rộng tra cứu, rà soát trên hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua nghiên cứu nhiều trường hợp có tên Chu Nghiêm, căn cứ phân tích độ tuổi của bà Thủy, thời gian bà Thủy thất lạc, Công an phường Cửa Nam đã tìm ra một trường hợp có khả năng trùng khớp với thông tin bà Thủy cung cấp, đó là ông Chu Nghiêm, sinh năm 1941, nguyên cán bộ CATP Hà Nội, hiện nghỉ hưu và sinh sống tại quận Hoàng Mai. Buổi gặp mặt giữa hai người nhanh chóng diễn ra, với ký ức về làn da hơi ngăm đen, mặt trái xoan, má hơi lệch, dưới tai phía gáy từng lên nhọt để lại sẹo của nguời con gái, ông Nghiêm linh cảm bà Thủy chính là Mai, con gái của mình.
Đại úy Nguyễn Duy Long tra cứu thông tin qua dữ liệu dân cư tìm ông Chu Nghiêm cho bà Nguyễn Thị Thủy
Kết quả xét nghiệm ADN ngày 17-4-2025 đã xác định ông Nghiêm và bà Thủy có mối quan hệ huyết thống bố - con. “Ngày nhận được kết quả ADN, tôi gọi điện thoại bảo con xuống nhà bác đi, rồi cùng mở tờ kết quả, mọi người vỡ òa trong vui mừng và hai cha con chúng tôi đã khóc. Cái Mai nó gục đầu khóc mãi” - ông Nghiêm nghẹn ngào kể lại. Niềm vui của cha con ông Chu Nghiêm trong ngày đoàn tụ cũng là niềm vui chung của cán bộ chiến sỹ Công an phường Cửa Nam. Nhờ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, việc tìm người khác nào “mò kim đáy bể” mà các anh, các chị đã làm được chỉ bằng những cú “nhấp chuột”.
Cuộc đoàn tụ trong nước mắt của bố con ông Chu Nghiêm – Nguyễn Thị Thủy
Công cụ đắc lực của lực lượng Công an cấp xã
Kể từ ngày 1-3-2025, cùng với công an toàn quốc, CATP Hà Nội đã thực hiện mô hình công an 3 cấp, chuyển phần lớn chức năng, nhiệm vụ trực tiếp xuống Công an cấp xã. 35 thủ tục hành chính có thể làm tại Công an cấp xã từ quản lý xuất nhập cảnh đến cấp, quản lý căn cước, định danh và xác thực điện tử; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; phòng cháy, chữa cháy; đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…
Theo Đại tá Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Công an cấp xã là tuyến đầu trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, là đơn vị trực tiếp triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và triển khai thực hiện, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong CAND nói chung và CATP Hà Nội nói riêng vào các mặt công tác của đơn vị... Với mô hình tổ chức bộ máy mới hiện nay, vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã sẽ tăng lên rất lớn. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp, giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo để tăng cường, phát huy cao nhất hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Công an cấp xã, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. “Chìa khóa giúp Công an cấp xã có thể nhanh chóng tra cứu các thông tin trên hệ thống đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và giải quyết các thủ tục hành chính chính là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bởi đây là một hệ thống thông tin lớn, chứa đựng dữ liệu cơ bản của người dân” - Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP Hà Nội nhìn nhận.
CAP Mỹ Đình 2 hướng dẫn nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Thực tế cho thấy một số ứng dụng khác trên nền tảng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh về xác thực điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng Công an cấp xã trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Trung tá Vũ Việt Hùng - Phó Trưởng Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm khẳng định, thông qua ứng dụng VNeID, người dân đã đến gần hơn với công nghệ số, tiện lợi trong sinh hoạt rất nhiều. Như những ngày gần đây, việc đóng góp ý kiến vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được 90% dân cư trên địa bàn phường thực hiện qua VNeID. Hay như tính năng “Tố giác tội phạm” trên nền tảng này, người dân có thể kịp thời thông báo các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm pháp luật…; đồng thời hỗ trợ lực lượng công an nhanh chóng giải quyết vụ việc, tin báo một cách hiệu quả. “Hàng ngày chúng tôi có bố trí cán bộ thuộc Tổ Cảnh sát hình sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. Qua đó đã tiếp nhận tin báo một cách đầy đủ, nhanh chóng. Chiếm 50% trong số tin báo từ nguồn này có liên quan đến an ninh trật tự, Công an phường đã tổ chức điều tra, qua đó khám phá được một số vụ việc vi phạm pháp luật” - Trung tá Vũ Văn Biên, Phó Trưởng Công an phường Mễ Trì cho hay.
Cán bộ công an thực hiện thủ tục xác thực định danh điện tử cho công dân
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Đỗ Xuân Bình - Bí thư Đảng ủy phường Mễ Trì cho biết, với “chìa khóa” hữu hiệu như vậy, lực lượng công an cơ sở không chỉ là nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự mà còn đóng vai trò tham mưu hiệu quả chính quyền trong xây dựng chính quyền số, góp phần cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Dành cho Công an cấp xã điều kiện tối ưu nhất
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Công an cấp xã cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức như hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, một số địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa còn thiếu thiết bị, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Nhớ lại thời điểm năm 2023, cùng với việc triển khai cấp CCCD, thẻ Căn cước, CATP vận động nhân dân đã có thẻ CCCD gắn chíp xác thực định danh điện tử mức 2. Đại đa số bộ phận nhân dân đồng tình nhưng cũng còn có những người dân chưa hiểu rõ về tính hữu ích của việc xác thực định danh điện tử nên đã không làm. Nhưng giờ đây, khi thực hiện các thủ tục hành chính đều qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID, những công dân này mới gặp khó khăn khi không có xác thực định danh điện tử, xếp hàng đi làm, cũng tạo áp lực cho lực lượng Công an cơ sở khi đang trong giai đoạn thay đổi mô hình tổ chức. “CATP đang phát động cao điểm cấp định danh điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp để thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Đây cũng là khó khăn với chúng tôi vì các dữ liệu này theo thông tin của ngành thuế cung cấp. Có những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chuyển địa điểm nên lực lượng Cảnh sát khu vực phải tiến hành rà soát, giải trình các trường hợp không còn tồn tại” - Trung tá Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Công an phường Xuân Đỉnh chia sẻ.
CAP Mễ Trì kiểm tra việc cư trú của người nước ngoài trên địa bàn
Những bước đi đầu tiên đến với kỷ nguyên mới của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính Công an Thủ đô không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng với quyết tâm hướng đến mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tối ưu nhất các mặt công tác của Công an cấp xã, bắt kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của quốc gia, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu, đáp ứng nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh từ cơ sở, đấu tranh phòng chống tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô Hà Nội, CATP xác định phải tăng cường bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đội ngũ chỉ huy, cán bộ chiến sĩ Công an cấp xã; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, kết cấu hạ tầng phục vụ triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng mục tiêu chiến lược; đẩy mạnh phong trào “bình dân học vụ số”, nâng cao trình độ công nghệ thông tin và tỷ lệ ứng dụng sản phẩm công nghệ hữu ích vào các mặt công tác của cán bộ chiến sỹ trong toàn thành phố. (Còn nữa)
Nhóm phóng viên Nội chính