Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
2 giờ trướcBài gốc
"Tăng lực" cho doanh nghiệp nội
Trước yêu cầu của xu hướng chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có sự vào cuộc nhanh chóng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động tham gia và tận dụng các cơ hội từ Cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Tọa đàm "Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt"
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Các Chương trình hỗ trợ này đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian vừa qua, Cục Công nghiệp đã thường xuyên tổ chức các hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các mô hình về chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh, mục đích để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.
Cụ thể, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI hàng đầu như Samsung, Toyota,… hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất. Hàng năm, IDC cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, mục đích giúp các doanh nghiệp tiếp cận, học hỏi, tìm kiếm lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau trong việc áp dụng chuyển đổi số và mô hình nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, trong năm 2023, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC để công bố công cụ đánh giá về chuyển đổi số, trong bộ công cụ đó cũng có rất nhiều nội dung, từ đánh giá về con người, văn hóa kinh doanh, tính bảo mật và hướng tới cả tính bền vững”- ông Chu Việt Cường nêu.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình hợp tác với các tập đoàn lớn như: Samsung và Toyota để đào tạo chuyên gia và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh. Trong giai đoạn 2022-2023, đã có 124 chuyên gia được đào tạo và 36 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng chuyển đổi số tại các nhà máy…
Dù cơ hội rất lớn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong hành trình chuyển đổi số. Ông Trần Kiên Dũng, Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam bày tỏ: "Nếu doanh nghiệp không bắt kịp xu hướng này, họ sẽ giống như một chiến binh mang dao găm đối đầu với binh đoàn tinh nhuệ. Chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn, mà là nhu cầu tất yếu".
Một số doanh nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng nhờ chuyển đổi số; ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng giám đốc Hanel PT chia sẻ rằng, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa và chuyển đổi quy trình từ năm 2017, giúp doanh số tăng trưởng tới 300%. "Chúng tôi đã nâng tỷ lệ tự động hóa lên 60% và đang tiếp tục hướng tới 80% để đạt tiêu chuẩn sản xuất thông minh", ông Trần Đức Tùng thông tin.
Công ty AMA Holdings cũng là một ví dụ điển hình khi áp dụng thành công nền tảng số vào toàn bộ quy trình sản xuất. "Chúng tôi có thể giám sát toàn bộ quy trình từ đầu vào vật liệu đến sản phẩm hoàn thiện theo thời gian thực, mang lại hiệu quả vượt mong đợi", ông Nguyễn Văn Minh, quản lý dự án của công ty cho biết.
Hướng tới xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo chuyên gia, tư vấn cải tiến, và ưu đãi tài chính sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Samsung Việt Nam tham quan dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp tham gia dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh”. Ảnh IDC
Ông Chu Việt Cường nêu giải pháp, thứ nhất, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.
Thứ hai, có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới giai đoạn 2030.
Thứ ba, tiếp tục là hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Về phía các ban, ngành liên quan và địa phương cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp làm sao giảm thiểu các thủ tục về hành chính, về pháp lý để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với chuyển đổi số và nhà máy thông minh là nhanh hơn.
“Đối với các Hiệp hội, ngành nghề cũng rất mong hiệp hội, ngành nghề sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau để thông qua đó, các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý của doanh nghiệp”- ông Cường lưu ý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ và xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản. "Chuyển đổi số không phải là câu chuyện xa vời. Đây là một lộ trình cần được thực hiện từng bước, từ số hóa dữ liệu đến tự động hóa, và cuối cùng là sản xuất thông minh" - ông Trần Kiên Dũng nhấn mạnh.
Các ý kiến tham luận tại Tọa đàm cũng khẳng định rằng chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ Nhà nước và các chương trình hợp tác quốc tế, doanh nghiệp Việt có cơ hội tạo sự khác biệt, nâng cao vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Anh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-huong-toi-san-xuat-thong-minh-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-360819.html