Chuyển đổi số ở Bình Phước: Từ khát vọng đến hành động

Chuyển đổi số ở Bình Phước: Từ khát vọng đến hành động
8 giờ trướcBài gốc
Những bước tiến và thách thức trong chuyển đổi số
Những năm qua, Bình Phước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lộ trình CĐS. Tỉnh được vinh danh tại Giải thưởng CĐS Việt Nam 2023 với giải pháp “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” và nhận Giải thưởng ASOCIO 2024 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc. Chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) của Bình Phước có sự bứt phá mạnh mẽ khi vươn từ vị trí 25 (năm 2020) lên hạng 9 (năm 2021) và duy trì hạng 13 (năm 2023). Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào các dự án công nghệ thông tin và CĐS, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số hiện đóng góp khoảng 10% GRDP, cho thấy sự dịch chuyển tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền thăm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Bình Phước
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, Bình Phước đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, dù hạ tầng đã được đầu tư mạnh mẽ. Chênh lệch kỹ năng số giữa cán bộ, doanh nghiệp và người dân vẫn là rào cản lớn, ảnh hưởng đến mức độ ứng dụng thực tế. Kinh tế số chưa khai thác hết tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khi phần lớn nông sản vẫn xuất khẩu thô, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối internet tốc độ cao, gia tăng khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.
Cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Chơn Thành làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi - Ảnh: Ngân Hà
Cùng với đó, việc dữ liệu ngày càng được số hóa cũng đặt ra thách thức lớn về bảo mật và an toàn thông tin. Khi lượng dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước được lưu trữ và xử lý trên môi trường số ngày càng nhiều, nguy cơ rò rỉ, tấn công mạng và lạm dụng dữ liệu trở nên hiện hữu. Điều này đòi hỏi Bình Phước phải có các giải pháp bảo vệ hiệu quả, không chỉ đảm bảo an toàn thông tin mà còn duy trì niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào quá trình CĐS.
Nhân lực số - yếu tố quyết định thành công
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định nhân lực số là trụ cột của CĐS. Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP, 80% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, 100% dữ liệu quản lý nhà nước được số hóa, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt ít nhất 90% hồ sơ được xử lý trực tuyến và đào tạo kỹ năng số cơ bản cho ít nhất 70% dân số trong độ tuổi lao động.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia công nghệ và liên kết với các trường đại học lớn để phát triển chương trình đào tạo về AI, blockchain, thương mại điện tử. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nâng cao kỹ năng số, giúp họ thích nghi với môi trường số hóa.
CĐS không chỉ dừng lại ở việc số hóa quy trình mà quan trọng hơn là đảm bảo con người thực sự làm chủ công nghệ, biết cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Hạ tầng số hiện đại sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu kỹ năng số, dữ liệu số hóa cũng chỉ hữu ích khi được khai thác đúng cách. Vì vậy, đầu tư vào con người chính là chìa khóa để Bình Phước bứt phá trong CĐS.
Cần giải pháp đồng bộ
CĐS không thể thành công nếu chỉ tập trung vào một lĩnh vực đơn lẻ mà đòi hỏi phải có sự đồng bộ trên nhiều phương diện. Đầu tiên, số hóa thủ tục hành chính phải đi kèm với tích hợp dữ liệu liên thông giữa các sở, ban, ngành nhằm tránh cát cứ thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý. Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo nền tảng để kinh tế số phát triển bền vững. Bình Phước cũng cần đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông, mở rộng vùng phủ sóng 4G/5G và hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thiết bị công nghệ để không ai bị bỏ lại phía sau.
Lễ công bố Ngày chuyển đổi số tỉnh Bình Phước
Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng trung tâm dữ liệu tại địa phương nhằm đảm bảo an toàn thông tin và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp số phát triển. Việc tăng tỷ lệ chi ngân sách cho CĐS từ 1% lên 2% theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình CĐS. Hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, Viettel, FPT cũng là một giải pháp quan trọng để xây dựng hệ sinh thái số phù hợp với đặc thù địa phương.
Để đánh giá hiệu quả CĐS, Bình Phước không chỉ dựa vào chỉ số DTI mà còn cần đo lường bằng các tiêu chí thực tế như tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ số, mức độ hài lòng của doanh nghiệp và tốc độ phát triển của các doanh nghiệp số.
Biến chiến lược thành hành động thực chất
CĐS không còn là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương. Công nghệ là công cụ quan trọng, nhưng điều cốt lõi nằm ở cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Tại buổi làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 26-11-2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, Bình Phước cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế số cao hơn trong giai đoạn 2025-2030, đồng thời định hướng trở thành điểm sáng về CĐS, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước.
Trung tâm IOC tỉnh Bình Phước vận hành từ ngày 9-9-2020, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh - Ảnh tư liệu
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Phước cần đảm bảo rằng CĐS không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay phong trào, mà phải trở thành động lực mạnh mẽ giúp tỉnh bứt phá. Thành công của CĐS không đo lường bằng thứ hạng trên bảng xếp hạng, mà phải được phản ánh qua những lợi ích thực tiễn mang lại cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Bình Phước đã đặt ra những mục tiêu lớn, nhưng mục tiêu chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với hành động quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. CĐS không phải là một đích đến, mà là một hành trình liên tục đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ để tạo ra giá trị bền vững, giúp địa phương phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Nguyễn Ngọc Vũ
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/169536/chuyen-doi-so-o-binh-phuoc-tu-khat-vong-den-hanh-dong