Chuyển đổi số toàn diện để Hải Dương bứt phá - Bài 2: Tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống

Chuyển đổi số toàn diện để Hải Dương bứt phá - Bài 2: Tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống
10 giờ trướcBài gốc
Người dân đăng ký khám bệnh qua kiosk tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Ảnh: THÀNH CHUNG
Công nghệ len sâu vào đời sống
Chị Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khám bệnh vào một ngày gần đây mà không phải mang thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân hay bất kỳ loại giấy tờ nào và thậm chí không cần mang tiền mặt. “Tất cả tích hợp trong này hết rồi, không phải mất công mang giấy tờ, tiền nong phức tạp như trước đây nữa”, chị Hằng chỉ vào chiếc điện thoại thông minh nói.
Tại khu vực khám bệnh, chị đi thẳng tới kiosk khám chữa bệnh tự động, chạm vào màn hình để lấy số thứ tự, khai báo bệnh lý luôn tại đây. Khi cần cung cấp thủ tục, chị Hằng chỉ cần mở ứng dụng VNeID trên điện thoại di động, ở đây đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế. Sau khi khám bệnh xong, chị Hằng nhận đơn đi mua thuốc và thanh toán viện phí đều qua mã QR.
Tính đến tháng 4/2025, tất cả 262 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hình thức tra cứu thẻ bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip, với hơn 261.000 lượt tra cứu, đạt tỷ lệ thành công tới 90,84%. Người dân đi khám bệnh chỉ cần mang theo căn cước công dân thay vì các loại giấy tờ rườm rà, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế và tiết kiệm chi phí xã hội. Trường hợp VNeID trên điện thoại thông minh đã tích hợp các loại giấy tờ tùy thân, người dân cũng không cần mang theo căn cước công dân.
Với ứng dụng VNeID, người dân Hải Dương còn có thể sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, trong đó đã có hơn 533.000 sổ được tích hợp. Ứng dụng này còn cung cấp thông tin giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, lịch sử khám chữa bệnh... giúp bệnh nhân chủ động theo dõi tình hình sức khỏe mà không phụ thuộc vào hồ sơ giấy dễ thất lạc.
Ở lĩnh vực thanh toán, từ chợ dân sinh đến bệnh viện, từ bãi đỗ xe di tích đến các quầy dịch vụ hành chính, việc không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, mô hình thu phí điện tử tại bãi đỗ xe khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc và Bệnh viện Nhi Hải Dương là ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ để tạo sự văn minh, hiện đại trong quản lý dịch vụ công cộng.
Ở bất kỳ đâu, người dân đều có thể giao dịch điện tử. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương
Ngoài ra, hơn 96% số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đã nhận tiền qua tài khoản ATM, không chỉ minh bạch, an toàn, mà còn giúp chủ động quản lý thu chi, hạn chế rủi ro mất tiền mặt.
Một điểm sáng nhân văn khác là việc triển khai thu nhận ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Trong tháng 4, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa, Công an tỉnh phối hợp Sở Nội vụ đối soát trên 31.000 phiếu thông tin, thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với những người đã hy sinh.
Không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân, công nghệ còn hỗ trợ các hoạt động kinh doanh. Các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn... đã được kết nối với phần mềm ASM để tự động gửi thông tin lưu trú về công an cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an ninh trật tự tại địa phương. Đã có 425 cơ sở đăng ký sử dụng hệ thống này, với gần 150.000 lượt khách được cập nhật tự động.
Công nghệ đang dần hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống người dân Hải Dương, từ các hoạt động thiết yếu đến các mô hình quản lý xã hội.
Nỗ lực từ phía chính quyền
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp đang tạo nên diện mạo mới cho hành chính công và kinh tế - xã hội địa phương. Hải Dương là một trong những tỉnh đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, thể hiện rõ qua kết quả thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 3345/KH-UBND ngày 10/9/2024 của UBND tỉnh. Cơ quan thường trực Công an tỉnh đã chủ động tổ chức các cuộc họp giao ban, đánh giá tiến độ, tháo gỡ vướng mắc và phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành.
Hải Dương đã hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hộ tịch, cập nhập trên 1,4 triệu dữ liệu trên nền dân cư (đạt 73,7%), là một trong 15 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch
Một trong những trụ cột quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu. Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hộ tịch, cập nhập hơn 1,4 triệu dữ liệu trên nền dân cư (đạt 73,7%), là một trong 15 tỉnh, thành phố đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Về lĩnh vực đất đai, đã có trên 334.000 hồ sơ được số hóa và lưu trữ điện tử. Trong lực lượng công an, dữ liệu dân cư luôn được duy trì ở trạng thái “đúng, đủ, sạch, sống” với trên 2,1 triệu thông tin công dân...
Một trong những kết quả nổi bật là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên diện rộng. Tính đến tháng 4/2025, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt gần 88% đối với 25 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó, ngành công an chiếm tỷ lệ vượt trội, đạt 97%.
Hải Dương là tỉnh tiên phong thí điểm giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với 2 nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này có giá trị rất lớn trong việc đem lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp.
Trong bối cảnh tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và chuẩn bị các điều kiện để hợp nhất với TP Hải Phòng, Hải Dương đang tăng tốc thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp, các ngành, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên phải thực sự thay đổi tư duy từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
NGÂN HẠNH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/chuyen-doi-so-toan-dien-de-hai-duong-but-pha-bai-2-tang-toc-chuyen-doi-so-ung-dung-cong-nghe-vao-doi-song-410891.html