Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội

Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội
6 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại lễ khai mạc.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Cà Mau đã tham mưu phát triển hạ tầng số với mạng lưới viễn thông, cáp quang Internet, mạng 3G/4G đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (Trung tâm IOC) đã được vận hành, giúp lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát và ra quyết định liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Về xã hội số, 100% ấp/khóm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh; tỷ lệ đã cấp định danh điện tử (mức độ 1, mức độ 2) đạt gần 80% người dân trưởng thành. Đối với chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Cà Mau được Bộ TT&TT đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8 vừa qua.
Du khách tham quan, trải nghiệm thực tế ảo và các dịch vụ số tại lễ khai mạc hưởng ứng “Ngày hội chuyển đổi số quốc gia”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt, trên mọi lĩnh vực của đời sống KTXH. Từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến người trẻ, từ trí thức đến nông dân; dù ở bất kỳ đâu, trên lĩnh vực nào, thuộc thành phần nào trong xã hội cũng đang sử dụng và trải nghiệm những tiện ích của chuyển đổi số. Ông Sử cho hay, tại các thành phố lớn, ngày càng có nhiều người dân sử các dụng ứng dụng gọi xe, mua thực phẩm, hàng hóa trực tuyến, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử …để tối ưu hóa thời gian và cải thiện chất lượng cuộc sống.
“Ở các vùng nông thôn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông qua các ứng dụng quản lý nông trại, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ giới hạn ở giới trẻ, người cao tuổi cũng bắt đầu quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để kết nối gia đình với nhau, để theo dõi sức khỏe qua các ứng dụng y tế, để cập nhật những kiến thức mới...”, ông Lê Văn Sử chia sẻ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, với chuyển đổi số, dường như khoảng cách về địa lý không còn tồn tại; người dân có thể nói chuyện, gặp mặt, làm việc, ký kết hợp đồng trực tuyến với đổi tác, có thể gặp gở với người thân, bạn bè, đối tác, dù họ đang ở bất kỳ đâu… chỉ bằng một vài thao tác trên bàn phím.
“Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta hiện nay là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra”, ông Sử nói.
Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Qua đó, nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng, đưa công cuộc chuyển đổi số ngày càng thiết thực, hiệu quả, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội.
Đây là năm thứ 3, tỉnh Cà Mau cùng với cả nước thực hiện chương trình chuyển đổi số. Trên tinh thần chuyển đổi số để mang lại giá trị cho người dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để đổi mới, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đưa chuyển đổi số đến từng nhà, từng người. Các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp, lan tỏa thông điệp Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên các nền tảng số và phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Từ ngày 10/9 đến ngày 10/10/2024, UBND tỉnh Cà Mau phát động tháng cao điểm thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều hoạt động được triển khai như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của tổ chức, cá nhân dựa trên các công nghệ số một cách phù hợp, hiệu quả; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc hưởng ứng “Ngày hội chuyển đổi số quốc gia” ở Cà Mau.
Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau Trần Thị Cẩm Hằng cho biết: “Hoạt động ra quân của Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”. Theo đó, tùy vào tình hình địa phương lựa chọn, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, ứng dụng thiết thực để phát triển kinh tế số như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng; tìm kiếm thông tin hiệu quả trên Internet; phản ánh hiện trường. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viễn thông Cà Mau, Viettel Cà Mau, MobiFone Cà Mau, Công ty CP viễn thông FPT chi nhánh Cà Mau và doanh nghiệp có liên quan phối hợp, hỗ trợ các Tổ công nghệ số cộng đồng ra quân thực hiện chiến dịch”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Tiêu Việt Tiên cho biết: “Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong các cấp hội giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hàng năm Hội đều ban hành kế hoạch chuyển đổi số, với những nội dung, việc làm cụ thể, phù hợp với chủ đề chuyển đổi số chung của tỉnh. Trọng tâm tập trung vào 3 hoạt động chính đó là công tác điều hành, xử lý công việc các cấp hội trên phần mềm iOffice, nền tảng Zalo chung của các chi, tổ hội để chỉ đạo triển khai đến hội viên phụ nữ.
Đối với công tác tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng các nền tảng chuyển đổi số như xây dựng các trang Fanpage và Facebook, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương hội, của tỉnh trên các trang thông tin điện tử. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội tăng cường giới thiệu các gương điển hình trong phong trào hội, phát triển kinh tế gia đình trên nền tảng số; giới thiệu, hướng dẫn hội viên tiếp cận với sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản thẩm, hàng hóa từ các mô hình phát triển kinh tế và đạt nhiều kết quả tích cực”.
Hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc, quản lý người bệnh, thời gian qua ngành Y tế tỉnh tăng cường đưa công nghệ số vào các hoạt động của ngành. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Trần Quang Khóa, cho hay: “Ngành Y tế tỉnh đã xây dựng và triển khai quản lý hệ thống thông tin y tế từ hệ thống dữ liệu của cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quản lý công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh để quản lý tổng thể hoạt động khám, chữa bệnh, quản lý tài chính, quản lý thuốc, vật tư y tế,... thực hiện bệnh án điện tử, tư vấn, đăng ký khám bệnh từ xa. Đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sử dụng căn cước công dân gắn chíp tích hợp thông tin bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí. Thực hiện vận hành, sử dụng và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý, kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn (đơn thuốc điện tử) và bệnh án điện tử. Triển khai liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án 06 cho các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe”.
Mục tiêu của chuyển đổi số là tạo mọi điều kiện để người dân có thể thực hiện và thụ hưởng những tiện ích, giá trị mà chuyển đổi số mang lại. Các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương…
Văn Đức
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/chuyen-doi-so-tro-thanh-xu-huong-phat-trien-tat-yeu-cua-xa-hoi-i746271/