Đầu tháng 12 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tại Bộ Y tế. Theo kết luận, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực dược, y dược cổ truyền và trang thiết bị y tế rất cao, gây ra tình trạng khan hiếm thuốc và thiết bị. Những yếu kém trong quản lý hồ sơ, không tuân thủ nguyên tắc FIFO trong giải quyết hồ sơ là nguy cơ tạo cơ chế xin - cho, gây phiền hà, không công bằng, minh bạch và bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội.
Trao đổi với VietTimes sau đó, đại diện Cục Quản lý Dược đã đồng ý với kết luận Thanh tra Chính phủ về những vi phạm và tồn đọng này. Đại diện Cục cũng giải thích thêm về nguyên nhân dẫn đến việc hồ sơ tồn đọng quá lớn và cục đang triển khai chuyển đổi số để khắc phục tình trạng này. Vậy quá trình trình chuyển đổi số được Cục Quản lý Dược thực hiện thế nào và hiệu quả đạt được ra sao?
Số hóa quy trình, rút ngắn thời gian, thủ tục
Sau đại COVID-19, nhu cầu phòng và điều trị bệnh của nhân dân ngày càng cao, nên số lượng hồ sơ đăng ký thuốc tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng tăng cao theo từng năm.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng Phòng đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược, từ năm 2019 trở về trước, hồ sơ đăng ký thuốc hoàn toàn là bản giấy, trong khi số lượng chuyên viên của Cục Quản lý Dược và các chuyên gia thẩm định không nhiều, nên thời gian giải quyết còn kéo dài, chưa đáp ứng thời hạn theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - thông tin về kết quả chuyển đổi số trong thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc.
Từ năm 2019, Cục Quản lý Dược đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện chuyển đổi số trong thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc, phối hợp với Viettel để xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, số hóa quy trình tác nghiệp và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: "Cục đã xây dựng và hoàn thành hệ thống đăng ký thuốc trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết cấp giấy đăng ký lưu hành, đồng thời quản lý chặt hồ sơ từ khâu tiếp nhận, thẩm định, cấp giấy đăng ký lưu hành công khai, minh bạch".
Từ tháng 7/2023, Cục Quản lý Dược đã tiếp nhận và giải quyết tất cả các thủ tục liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc trực tuyến. Các thao tác nghiệp của cán bộ, chuyên viên đã hoàn toàn được thực hiện trên môi trường điện tử, từ khâu tiếp nhận, phân loại, rà soát xử lý của chuyên viên đến thẩm định hồ sơ của các tiểu ban chuyên môn.
Trước đây, mỗi hồ sơ phải mất nhiều thời gian sắp xếp, phân loại thủ công và vận chuyển đến các đơn vị khác nhau ở Hà Nội và TP.HCM, gây khó khăn trong truy xuất tình trạng xử lý hoặc nguy cơ thất lạc hồ sơ.
Từ tháng 7/2023, Cục Quản lý Dược đã tiếp nhận và giải quyết online tất cả các thủ tục liên quan đến hồ sơ đăng ký thuốc
Minh bạch, công khai nhờ chuyển đổi số
Kể từ khi triển khai hệ thống trực tuyến, hồ sơ đăng ký thuốc được tiếp nhận, lưu trữ và xử lý trực tuyến, giảm thiểu tối đa các bước hành chính trung gian như sắp xếp, phân loại và vận chuyển hồ sơ. Các tiểu ban chuyên môn có thể đồng thời thẩm định, không phụ thuộc tiến độ thẩm định của các tiểu ban khác.
Việc áp dụng chuyển đổi số đã tạo được thay đổi tích cực, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp: giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh phiền hà trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.
Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể khi cắt giảm nhiều chi phí: đi lại, lưu trữ, bảo quản, văn phòng phẩm, nhân công... Việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ cũng trở nên thuận tiện. Khi có kết quả đánh giá của Hội đồng, Cục Quản lý Dược sẽ ra quyết định cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành, công bố nguyên liệu, mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và tiêu chuẩn chất lượng thuốc hoàn toàn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký thuốc đã mang lại kết quả rõ rệt, trong 11 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý Dược đã cấp, gia hạn cho hơn 12.300 thuốc, gần bằng tổng số lượng thuốc đã được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong 5 năm gần đây cộng lại (năm 2019: 3.695 thuốc; năm 2020: 1.341 thuốc; năm 2021: 1.230 thuốc; năm 2022: 2.721; năm 2023: 4.592 thuốc).
AI sẽ được đưa vào quản lý nhà nước với dược phẩm
Dùng AI trong thẩm định hồ sơ
Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết: Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có hiệu lực, Cục sẽ tiếp tục điều chỉnh hệ thống dịch vụ công trực tuyến để thực hiện cơ chế gia hạn tự động. Hồ sơ đăng ký gia hạn sẽ được công khai trên hệ thống, đảm bảo doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành.
Cục Quản lý Dược sẽ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc với mục tiêu:
Thay thế hoàn toàn việc nhận hồ sơ thủ công khi tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, khắc phục tình trạng xếp hàng, chờ đợi của doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống phát hiện và cảnh báo hồ sơ giả mạo, hồ sơ có thông tin không chính xác và không thống nhất giữa các loại hồ sơ được nộp.
Hỗ trợ rà soát, thẩm định pháp chế của hồ sơ đăng ký thuốc, từ đó, giảm thời gian thẩm định pháp chế cho các chuyên viên, chuyên gia.
Giảm thiểu sai sót trong quá trình thẩm định so với việc thẩm định hồ sơ thủ công trước đây, giúp việc thẩm định chính xác 100%, tăng tính minh bạch trong việc thẩm định hồ đăng ký thuốc.
Tích hợp các tiện ích kèm theo như hệ thống chatbot và trợ lý ảo trả lời tự động, cho phép các doanh nghiệp truy vấn thông tin và nhận được câu trả lời nhanh chóng, hiệu quả.
Thanh Hằng