Cán bộ NHCSXH Ngọc Lặc tích hướng dẫn khách hàng tại xã Cao Thịnh sử dụng các dịch vụ, tiện ích của ngân hàng số.
Bà Phạm Thị Lương, Tổ trưởng tổ TK&VV Thành Phong, xã Minh Tiến cho biết: Từ khi NHCSXH Ngọc Lặc triển khai ứng dụng dịch vụ Mobile Banking, tôi thấy rất tiện lợi cho cả người dân và ngân hàng. Tổ hiện có 59 thành viên với dư nợ cho vay gần 4,7 tỷ đồng. Thời gian trước, các thành viên đều tìm hiểu thông tin vay vốn từ văn bản giấy hoặc đến gặp trực tiếp để được nghe giải thích, hướng dẫn. Nay việc ứng dụng công nghệ số của
NHCSXH triển khai trên thiết bị di động không chỉ giúp giảm tải nhiều việc cho công tác quản lý sử dụng nguồn vốn chính sách mà còn giúp bà con trả lãi, gửi tiết kiệm cũng như thanh toán tiền học, tiền điện... thuận lợi hơn. Thay vì phải ngồi tính toán và đi đến từng hộ vay vốn để thu tiền lãi, tiền trả nợ gốc, rất mất thời gian, thì nay thông qua phần mềm này, chúng tôi có thể nắm bắt được chi tiết thông tin trả lãi, gốc hằng tháng và gửi thông báo cụ thể cho từng hộ vay vốn. Các bên vay và cho vay tiết giảm được nhiều thời gian, hạn chế được việc phải đến tận nhà hay nơi làm việc để thông tin, trao đổi.
Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng, ngay sau khi có chủ trương của NHCSXH Thanh Hóa, đơn vị đã tổ chức tập huấn về việc cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách cho các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị
NHCSXH huyện, lãnh đạo hội, đoàn thể cấp huyện, xã, thị trấn và 293 tổ trưởng tổ TK&VV. Ứng dụng VBSP Smart Banking của NHCSXH trên ứng dụng điện thoại di động thông minh được thiết kế dành cho tất cả khách hàng kể cả hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng. Khách hàng có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, kết nối internet là có thể nộp lãi, truy vấn giao dịch ngay trên tài khoản; khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội được trừ trực tiếp tiền lãi hằng tháng trên ứng dụng... giúp khách hàng thanh toán linh hoạt, bảo mật thông tin, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch.
Ngoài hệ thống quản lý tín dụng chính sách, NHCSXH Ngọc Lặc còn ứng dụng nhiều phần mềm tiện ích khác để phục vụ công tác quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn như phần mềm báo cáo IMF, phần mềm chấm điểm đánh giá cán bộ, phần mềm giáo dục tài chính, dịch vụ mobile banking... Thông qua các ứng dụng số của NHCSXH, khách hàng cũng đã chủ động nắm bắt thông tin về tiền gốc, tiền lãi hàng tháng mà mình đã trả và còn cần thanh toán bao nhiêu để có kế hoạch chi trả. Điều này rất quan trọng vì người dân có thể tự kiểm soát vốn vay của mình, phòng tránh những thất thoát, rủi ro, hạn chế được việc chậm trễ trả gốc, lãi định kỳ.
Giám đốc NHCSXH Ngọc Lặc Hồ Minh Hoàn cho biết: “Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách của huyện đạt trên 620 tỷ đồng với gần 11.600 khách hàng dư nợ. Với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, điều hành và triển khai tốt công tác tín dụng chính sách, từ năm 2023 ngân hàng đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại di động. Nhờ đó, các tổ trưởng tổ TK&VV, hội, đoàn thể nhận ủy thác có thể nắm bắt kịp thời thông tin về các phương án tín dụng chính sách, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra, đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng. Từ đó, giúp việc giao dịch giữa cán bộ ngân hàng với các tổ trưởng tổ TK&VV tại các phiên giao dịch xã, thị trấn được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Về phía ngân hàng, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành tới người dân được linh hoạt hơn, nhanh chóng hơn”.
Hiện NHCSXH Ngọc Lặc đang tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách theo hướng tiện ích, chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với lộ trình CĐS của hệ thống NHCSXH. Chủ động nắm bắt và kịp thời khắc phục những khó khăn, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.
Bài và ảnh: Minh Hà