Chuyển đổi số và bài toán tinh gọn nhân sự

Chuyển đổi số và bài toán tinh gọn nhân sự
7 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi số đang trở thành hướng đi tất yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại bản chất của ngành tài chính toàn cầu. Sự đổi mới của Bank of America với ngân hàng số và ứng dụng chatbot Eric, cùng với việc triển khai các chi nhánh robot, là những ví dụ tiêu biểu.
Tại Việt Nam, quyết định số 810 của Ngân hàng Nhà nước hướng tới mục tiêu số hóa 50% các nghiệp vụ và 70% giao dịch khách hàng vào năm 2025, cũng đã minh chứng cho xu hướng tất yếu này.
Chuyển đổi số đang làm thay đổi quy mô và phương thức hoạt động trong ngành ngân hàng. Với hơn 95% ngân hàng thương mại đã ứng dụng thành công mô hình tinh gọn nhân sự và tận dụng công nghệ số. Theo đó, bức tranh về nhân sự có khác biệt với xu hướng cắt giảm từ vài chục đến vài trăm nhân sự trong mục tiêu tinh gọn, sắp xếp để hoạt động hiệu quả hơn.
Không chỉ ngành ngân hàng, nhiều ngành nghề cũng đang "đau đáu" với bài toán tinh gọn nhân sự - Ảnh: IT
Ví dụ như Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tổng số cán bộ, công nhân viên của ngân hàng và công ty con tới cuối năm 2024 là 28.998 người, giảm gần 1.000 người so năm trước đó. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cắt giảm hơn 400 người, tổng số cán bộ, nhân viên còn 18.088 người; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm 365 người; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) giảm 517 nhân viên. Trong năm 2024, một số ngân hàng khác như Tiên Phong (TPBank), Nam Á (Nam A Bank), An Bình (ABBank), Kiên Long (KienlongBank)... cũng cắt giảm nhân sự nhưng với số lượng ít hơn, dưới 100 nhân viên.
Có thể thấy, làn sóng cắt giảm nhân sự nổi lên nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, khi một số nhân viên ngân hàng cho biết thuộc diện cắt giảm vì không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, công việc theo nhiệm vụ mới. Trong khi đó, đại diện một số ngân hàng cho biết việc cắt giảm nhân sự chủ yếu do sắp xếp, thu gọn lại hoạt động ở phòng ban, các vị trí công việc truyền thống. Nhu cầu về nguồn nhân lực cho các bộ phận công nghệ, chuyển đổi số, tài chính số là rất lớn.
Với mục tiêu số hóa 50% các nghiệp vụ thì áp lực đối với nhân sự của ngành này là rất lớn. Với xu thế phát triển như hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng chưa có dấu hiệu kết thúc, thậm chí có thể sẽ diễn ra tiếp tục trong thời gian tới.
VietCredit (Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt) cho biết công ty đang đẩy mạnh tái cấu trúc bộ máy và tận dụng chuyển đổi số để tập trung vào sản phẩm dịch vụ số hóa hoàn toàn. Sự đổi mới này đã giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và duy trì hoạt động ổn định trong môi trường kinh tế đầy biến động.
Đặc biệt, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, vốn là thế mạnh mới của công ty khi đang áp dụng AI và công nghệ fintech hiện đại vào các sản phẩm tài chính của mình. Chiến lược này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong bối cảnh dữ liệu lớn ngày càng chiếm ưu thế.
Xu hướng cắt giảm nhân sự không chỉ với ngành ngân hàng mà đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, từ chứng khoán đến bảo hiểm, bán lẻ... Tuy nhiên, tài chính và ngân hàng là hai ngành chứng kiến chuyển đổi số mạnh mẽ nhất khi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng lần lượt cho nhân viên nghỉ việc trong làn sóng cắt giảm để tái cấu trúc vị trí công việc trước sức ép tăng năng suất, giảm chi phí.
Những công việc có nguy cơ bị AI thay thế cao nhất thường là các vị trí liên quan đến nhập liệu, tài chính và dịch vụ hành chính. Ví dụ, với công việc nhập liệu và văn thư: AI có khả năng tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, khiến các vị trí nhân viên văn phòng, trợ lý hành chính, và thư ký pháp lý dần bị loại bỏ.
Với tài chính và kế toán: Hệ thống AI có thể phân tích dữ liệu tài chính nhanh hơn con người, dẫn đến sự suy giảm trong nhu cầu về nhân sự kế toán và kiểm toán. Còn với công việc thiết kế đồ họa thì AI có thể tự động thiết kế logo, chỉnh sửa hình ảnh, thậm chí tạo ra các sản phẩm sáng tạo mà không cần sự can thiệp của con người...
Theo báo cáo Future of Jobs năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng 41% doanh nghiệp trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm nhân sự do AI. Tại Mỹ, tỷ lệ này cao hơn, lên đến 48%. Những con số này cho thấy AI không chỉ tác động đến một số ngành nghề nhất định mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ thị trường lao động.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều sa thải nhân viên ngay lập tức. 77% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tập trung vào việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên thay vì cắt giảm lao động.
Một số chuyên gia cho rằng AI không dẫn đến thất nghiệp hàng loạt mà thay vào đó sẽ tạo ra sự chuyển đổi trong thị trường lao động. Việc đào tạo lại nhân viên và phát triển kỹ năng mới là yếu tố quan trọng giúp con người làm việc hiệu quả cùng AI, đảm bảo một tương lai bền vững cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Có thể thấy, chuyển đổi số và tinh gọn nhân sự không chỉ là một xu hướng mà là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Sự thay đổi này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam tạo nền tảng cho một nền kinh tế số vững mạnh trong kỷ nguyên AI.
Vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 598 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.
Phương châm là "Bộ máy tinh gọn, dữ liệu kết nối, quản trị thông minh", trong đó: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, gắn bó chặt chẽ với công cuộc đổi mới, hoàn thiện bộ máy hành chính và cùng thúc đẩy lẫn nhau; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể của quá trình triển khai.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chuyen-doi-so-va-bai-toan-tinh-gon-nhan-su-231897.html