Xuất khẩu tôm năm 2024 tăng 14%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn song ngành tôm đã kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, khẳng định vị thế vững chắc trong xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của quốc gia. Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023.
Theo đó, xuất khẩu tôm vẫn giữ đà tăng trưởng hai con số khi xuất khẩu sang các thị trường chính như châu Âu (EU), Trung Quốc và ghi nhận tăng trưởng tốt tại thị trường Mỹ. Nhu cầu phục vụ lễ hội cuối năm ở Mỹ, EU và nhu cầu phục vụ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc góp phần làm tăng đơn đặt hàng từ các thị trường này. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tuy không tăng mạnh nhưng duy trì được đà tăng trưởng dương do tỷ giá quý cuối năm ổn định và sự phục hồi của đồng yên. Xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Nga, Canada, Australia, Anh, Đài Loan cũng cho thấy nhiều tiềm năng trong năm 2024.
Người nuôi tôm, doanh nghiệp rất cần được tạo động lực từ cơ chế vay vốn, kiểm soát lưu thông, hạn chế tiêu thụ tôm giống kém chất lượng… Nguồn: ITN
Giá trung bình xuất khẩu tôm sang các thị trường dịp cuối năm cũng có dấu hiệu khả quan. Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm VASEP cho biết, giá tôm trong nước dịp cuối năm phục hồi, nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm, các hệ thống phân phối lớn trên thế giới tăng tìm kiếm nguồn cung từ tôm Việt Nam, mặc dù giá cao hơn nhưng bảo đảm an toàn, dẫn đến đơn hàng tăng khá.
Thành quả của ngành tôm là nhờ sự kiên định, mở rộng nuôi tôm hướng tới mô hình đầu tư chi phí thấp, năng suất cao, dễ vận hành và giá thành thấp, đồng thời đa dạng phân khúc sản phẩm xuất khẩu, từ tôm tươi, sống, đông lạnh, chế biến, từ tôm thẻ, tôm sú, tôm hùm đến tôm biển. Cùng với đó là sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. "Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực của cả cộng đồng ngành thủy sản, đồng hành vượt khó sau bão lũ, thiên tai, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường", VASEP nhấn mạnh.
Cần động lực về nguồn vốn, kiểm soát chất lượng
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho rằng, ngành tôm năm 2024 dù vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu hụt.
Theo bà Kim Thu, năm qua ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn “chạm đáy” so với các năm trước, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao”. Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, không chỉ khó khăn về giá, diễn biến môi trường và thời tiết bất lợi cũng như dịch bệnh vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với vụ tôm năm 2024.
Trước thực tiễn trên, để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, các chuyên gia nhấn mạnh, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng. Kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.
VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.
Đáng chú ý, thị trường Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất tôm từ Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành hàng tôm phải nỗ lực nhiều để giữ được thị trường này.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía thị trường, bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy, thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, ưu tiên bền vững và hiệu quả; tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.
Trúc Oanh