Sơ chế trái dừa khô tại cơ sở thu mua dừa khô Lê Thị Nha, ấp Hòa Phú, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, tỉnh có trên 23.000 ha dừa; trong đó, trên 20.000 ha đang cho trái, sản lượng mỗi năm trên 234.000 tấn quả, tập trung ở các địa bàn sản xuất khó khăn, thường xuyên ảnh hưởng hạn mặn như: Chợ Gạo, Châu Thành, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… Dừa là cây trồng có giá trị kinh tế cao, chịu được hạn mặn, thích hợp thổ nhưỡng nên được tỉnh khuyến khích nhân dân khu vực ven sông, ven biển, cù lao nhiễm mặn trên sông Tiền… chuyển đổi cây trồng, phát triển dừa thành vùng chuyên canh, cho nguồn nông sản hàng hóa lớn, ổn định cuộc sống.
Tại địa phương, bà con trồng nhiều loại dừa: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, các giống dừa bản địa để lấy dầu,... cho ra những sản phẩm giá trị như: dừa khô phục vụ ngành công nghiệp dầu, dừa tươi uống nước,… được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi trong ngoài tỉnh.
Ngoài thu hoạch dứa trái, người dân còn tận dụng thêm các phụ phẩm từ vườn dừa như: lá dừa, vỏ dừa… làm chất đốt hoặc chế biến thành nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, tăng thêm thu nhập.
Trước tiềm năng to lớn của cây dừa trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh định hướng tổ chức sản xuất theo quy mô tập trung, hình thành vùng chuyên canh; chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa.
Đồng thời, quan tâm quản lý dịch hại, phòng trị bọ cánh cứng trên cây dừa, khuyến khích cải tạo vườn dừa già cổi, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp,; du nhập thêm các giống dừa mới cho năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt tham gia thị trường; hướng tới chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng và thâm canh dừa theo hướng GAP hoặc trồng dừa hữu cơ liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, tỉnh đã có 40 mã số vùng trồng dừa với tổng diện tích khoảng 3.200 ha được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết: Chợ Gạo là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển các vùng chuyên canh dừa, tạo giá trị nông sản hàng hóa lớn, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo nông thôn. Huyện có gần 7.700 ha dừa; trong đó, diện tích dừa đang cho trái trên 6.500 ha.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng vùng chuyên canh dừa đã giúp tăng năng suất dừa tại địa phương từ 22 tấn/ha/năm trước đây lên 24 tấn/ha năm.
Huyện phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico có trụ sở tại xã Bình Ninh hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 3 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh, trên diện tích 300 ha đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, tiếp tục mở rộng diện tích vùng dừa hữu cơ ra toàn địa bàn.
Huyện Tân Phú Đông gồm các cù lao nhiễm mặn ở hạ lưu sông Tiền, đặc biệt chú trọng phát triển vùng chuyên canh dừa tại những địa bàn khó khăn theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể là chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa một vụ, năng suất bấp bênh sang trồng dừa chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, giúp bà con an tâm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, địa phương đã xây dựng được vùng trồng dừa chuyên canh gần 2.700 ha, hàng năm cho sản lượng gần 40.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Trong nỗ lực giải quyết đầu ra cũng như phát triển bền vững cây dừa, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con xứ cù lao, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thới (xã Tân Thới, Tân Phù Đông) cũng đang liên kết với Công ty Thabico (Chợ Gạo) xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu quy mô khoảng 400 ha.
Tại huyện cù lao, nhiều nông dân nhạy bén kết hợp trồng dừa trong các mô hình sản xuất thích hợp đã tạo dựng cơ nghiệp như nông dân Dương Tấn Sĩ, cư ngụ tại xã Tân Thới.
Với 2,5 ha dừa chuyên canh, ông xây dựng mô hình VAC theo hướng trồng dừa kết hợp đầu tư cất chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái trang trại, dưới ao thả nuôi các loài cá nước ngọt giá trị kinh tế cao, nuôi thêm gia cầm thả vườn. Đồng thời, còn đầu tư lắp hầm Biogas lấy nhiên liệu làm chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn thu lãi ròng gần 1,5 tỷ đồng từ các nguồn lợi từ mô hình VAC kể trên.
Nông dân Phan Quốc Hùng, cư ngụ xã Tân Thới (Tân Phú Đông) trồng 1,7 ha dừa chuyên canh. Dưới tán dừa, ông xen canh thêm ca cao, xây cất chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản; trong ao mương vườn nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như: cá tra, cá rô phi, cá chép tăng nguồn thu nhập cho kinh tế gia đình. Mỗi năm, gia đình ông lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
Nhờ vậy, không chỉ ổn định được cuộc sống, vượt khó, thoát nghèo mà còn được vinh danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu vùng cù lao nhiễm mặn Tân Phú Đông.
Đáng mừng là đầu năm 2025 đến nay, dừa giữ giá cao cao kỷ lục, nông dân rất phấn khởi. Theo ông Dương Tấn Sĩ, nông dân trồng dừa ở xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, dừa khô thương lái thu mua đến 10.000 đồng/trái, dừa tươi uống nước có giá khoảng 8.000 đồng/trái, cao nhất trong vòng dăm năm trở lại đây.
Với giá này, mỗi ha dừa cho bà con nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Dừa có giá, đầu ra thuận lợi đang mở ra hướng mới phát triển bền vững vùng chuyên canh dừa trên các địa bàn canh tác khó khăn của tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí (TTXVN)