Chuyển đổi xanh: Bắt đầu từ ý thức người dân

Chuyển đổi xanh: Bắt đầu từ ý thức người dân
17 giờ trướcBài gốc
Hạ tầng phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trang thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đồng bộ. Ảnh: T.L
Ở một số địa phương khác trong tỉnh, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phân loại rác thải gặp khó. Đặc biệt là trang thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đồng bộ. Cùng với đó, việc thiếu quỹ đất xây dựng khu xử lý rác thải, bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển cũng là những rào cản lớn. Thêm vào đó, địa bàn miền núi, vùng cao, dân cư sinh sống không tập trung, đường nhỏ hẹp cũng khó bố trí thùng để phân loại rác thải…
Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nhiều địa phương trong tỉnh khó khăn là vậy nhưng lại được thực hiện khá tốt tại tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Theo chia sẻ của các hộ dân ở đây, cứ 2 đến 3 hôm, nhân viên vệ sinh môi trường mới phải đến đây thu gom rác một lần bởi đa số các hộ dân đều “xả” rác sinh hoạt rất ít.
Chúng tôi khá ngạc nhiên khi nơi đây có vài trăm nhân khẩu mà lượng rác phải thu gom ít hơn ở nhiều nơi có lượng dân cư tương đồng. Nguyên nhân nguồn rác sinh hoạt hạn chế “xả” ra ngoài là do các hộ dân chủ động phân loại và xử lý tại nguồn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt cho hay: Gia đình tôi có 3 nhân khẩu. Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt không hề nhỏ nhưng tôi thường lựa chọn các loại rác hữu cơ, có thể phân hủy như cuộng rau, giấy… đem đi ủ thành phân bón cho cây trồng. Chỉ những loại rác thải rắn, không thể tự tiêu hủy như túi nilon, hộp nhựa, chai thủy tinh, mảnh sứ vỡ… mới để cho nhân viên vệ sinh môi trường thu gom.
Với hình thức phân loại và xử lý rác thải tại nguồn khá khoa học như vậy, người dân Phú Thịnh không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm được chi phí chăm sóc các vườn rau, cây ăn quả của gia đình. Theo bà Lê Thị Xuân, cư dân của tổ, chỉ cần có ý thức tự giác là việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện hiệu quả.
Khi dân số tại Thái Nguyên không ngừng tăng lên (hiện là trên 1,3 triệu dân), đồng nghĩa với việc lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều hơn gây áp lực cho các khu vực, nhà máy chôn lấp, xử lý rác thải. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, Thái Nguyên phát sinh trên 760 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 570 tấn được thu gom, xử lý (chiếm 75%). Trong khi đó, các nhà máy xử lý, địa điểm chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh đã trở nên quá tải. Đó là chưa kể, ở nhiều nơi, rác thải sinh hoạt không được thu gom, vứt bừa bãi trên bờ mương, ven hồ, sông suối gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc người dân tự phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt như vừa nêu ở trên rất đáng nhân rộng.
Tùng Lâm
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202504/chuyen-doi-xanh-bat-dau-tu-y-thuc-nguoi-dan-9453b5d/