Chuyển đổi xanh khu công nghiệp: Đà Nẵng cần gì để bứt phá?

Chuyển đổi xanh khu công nghiệp: Đà Nẵng cần gì để bứt phá?
12 giờ trướcBài gốc
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100 ha, 1 khu công nghệ cao rộng 1.128 ha và 1 khu công nghệ thông tin tập trung diện tích 130 ha. Thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng và mở rộng 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích gần 700 ha, bao gồm: khu công nghiệp Hòa Ninh, khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 và khu công nghiệp Hòa Nhơn.
Đà Nẵng đang trên hành trình xây dựng mô hình tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp, thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 2 đến 3 khu công nghiệp sinh thái đạt chuẩn quốc gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, đồng thời thực hiện cộng sinh công nghiệp...
Trong đó, khu công nghiệp Hòa Khánh là một trong những khu công nghiệp tại Việt Nam được lựa chọn để thí điểm triển khai dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” trong giai đoạn 2020–2024. Qua 4 năm thực hiện chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Hòa Khánh, việc ứng dụng RECP (Sản xuất sạch hơn và Hiệu quả tài nguyên) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện môi trường và gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cơ chế quản lý khu công nghiệp sinh thái vẫn tương tự như khu công nghiệp thông thường. Điều này khiến cho việc thúc đẩy và triển khai mô hình mới gặp nhiều khó khăn, bởi khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng hạ tầng, dịch vụ cung cấp trong khu công nghiệp và đầu tư cho các tiềm năng liên kết.
Tiến sĩ Đặng Quang Hải Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài "Chuyển đổi xanh các khu công nghiệp Đà Nẵng".
Để chuyển đổi thành công sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp cần có năng lực quản trị và dự báo tốt, đồng thời phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, với nguồn vốn hạn chế. Họ gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho các dự án đầu tư theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, điều này tạo nên một rào cản không nhỏ trong quá trình chuyển đổi. Thêm vào đó, tâm lý e ngại sự thay đổi và thiếu ý thức về liên kết, cộng sinh giữa các doanh nghiệp cũng là những rào cản vô hình chưa dễ tháo gỡ.
Đối với nhiều doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, máy móc và công nghệ hiện có đã lạc hậu, chủ yếu dựa vào công suất lớn, tiêu tốn nhiên liệu và năng lượng, phát sinh lượng chất thải lớn ra môi trường. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy có thể tận dụng các dịch vụ môi trường chung nhưng lại khó tiếp cận được công nghệ mới cần thiết để cải thiện hiệu quả môi trường.
Bởi vậy, để xây dựng mới hoặc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống theo hướng công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, cần có sự hội tụ của các yếu tố: tài chính, công nghệ, hợp tác và liên kết. Việc phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững không chỉ cho từng khu công nghiệp, từng địa phương mà còn cho cả nền kinh tế.
Thông qua các nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện chuyển đổi xanh, xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam và quốc tế, có thể rút ra nhiều giải pháp thiết thực cho việc triển khai mô hình này tại thành phố Đà Nẵng.
Trước hết, cần cụ thể hóa khung quốc tế và ban hành khung quốc gia về khu công nghiệp sinh thái để các bên liên quan hiểu đúng về các yếu tố cấu thành khu công nghiệp sinh thái, từ đó có định hướng phát triển và chuyển đổi phù hợp. Đồng thời, cần tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai nhanh việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng tiệm cận khu công nghiệp sinh thái. Việc này đòi hỏi phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để đánh giá hiện trạng các khu công nghiệp trên địa bàn, từ đó xác định cơ hội chuyển đổi hiệu quả.
Đặc biệt, cần chuẩn bị và xây dựng các nguồn tài chính phù hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Phát triển khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn vốn lớn cho việc xây dựng hạ tầng xanh, đầu tư vào công nghệ sạch và các giải pháp bền vững. Do đó, việc chuẩn bị các chính sách và phương án tài chính phù hợp là vô cùng quan trọng. Cần nghiên cứu khai thác và kết hợp các cơ chế ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái, tận dụng các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp đối với các dự án năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, phát triển hạ tầng xanh...
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Đặc biệt, nguồn lực từ khối tư nhân – chính là các doanh nghiệp – đóng vai trò then chốt, bởi họ là những người thụ hưởng trực tiếp và sớm nhất những lợi ích mà khu công nghiệp sinh thái mang lại. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã sẵn sàng với nguồn lực tài chính mạnh để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái, đón đầu các giải pháp công nghiệp xanh và bền vững.
Nghi Lộc
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-xanh-khu-cong-nghiep-da-nang-can-gi-de-but-pha-163958.html