Bức ảnh lan truyền sai sự thật về "khoảnh khắc cuối cùng" của các nạn nhân vụ lật tàu du lịch ở Hạ Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tối 19/7, Nguyễn Tuấn (sống tại Nhật Bản) bất ngờ phát hiện hình ảnh của gia đình bị lan truyền trên mạng xã hội với nội dung sai sự thật liên quan vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.
Bức ảnh chụp 5-6 trẻ em đứng trên mũi tàu tham quan vịnh bị xuyên tạc thành "khoảnh khắc cuối cùng của các con trong chuyến tàu định mệnh". Không chỉ sai sự thật, hình ảnh còn bị chỉnh sang đen trắng, chia sẻ khắp nơi với hàng trăm nghìn lượt tương tác và bình luận thương tiếc.
"Tôi là người dùng Facebook thường xuyên nên khi thấy bức ảnh đen trắng, ban đầu chỉ thấy quen. Đến khi nhìn kỹ, tôi sững người vì đó chính là ảnh mình chụp năm ngoái", anh kể với Tri Thức - Znews, cho biết bức ảnh vốn được anh chụp từ tháng 8/2024 khi đưa gia đình về Việt Nam du lịch Hạ Long.
Fanpage có tên B.H.N chia sẻ bức ảnh thu về hơn 162.000 lượt thích, 32.000 lượt bình luận và 1.000 lượt chia sẻ. Trên nhiều fanpage và tài khoản cá nhân khác, hình ảnh tiếp tục bị phát tán khiến không ít người hiểu nhầm những đứa trẻ trong ảnh là nạn nhân của vụ tai nạn.
"Gia đình tôi rất bức xúc. Người thân ở quê thấy ảnh các cháu bị lan truyền kèm theo những lời tiếc thương đã gọi điện hỏi dồn dập, hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Không thể tin được có người lại dùng ảnh của người khác để câu view (lượt xem) một cách tàn nhẫn như vậy", anh nói.
Bức ảnh đại gia đình anh Tuấn đi du lịch vịnh Hạ Long tháng 8/2024 (bên trái) bị xuyên tạc là nạn nhân trong vụ lật tàu (bên phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo anh Tuấn, rất may bức ảnh được chụp từ phía sau nên không để lộ mặt. Tuy nhiên, việc bị gán là nạn nhân trong một sự kiện tang thương đã ảnh hưởng đến tâm lý con cháu trong gia đình. Ở độ tuổi học cấp 2, cấp 3, các em sốc khi đọc những bình luận thương tiếc, xót xa dưới bức ảnh của chính mình.
"Đó là bức ảnh lưu niệm của một kỳ nghỉ vui vẻ, nhưng bị biến thành công cụ để câu tương tác thì thật không thể chấp nhận được", người đàn ông bức xúc.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, anh Tuấn đã chủ động nhắn tin yêu cầu gỡ ảnh, đính chính thông tin. Tuy nhiên, nhiều fanpage không phản hồi, một số là trang ảo, không rõ người quản trị. Anh cho biết nhiều trang chỉ quan tâm thu hút lượt xem, bất chấp tính xác thực của thông tin.
Một trong những người chia sẻ lại bức ảnh là ca sĩ Thái Thùy Linh. Sau khi nhận được tin nhắn từ chủ nhân bức ảnh, nữ ca sĩ đã công khai xin lỗi trong tối 21/7 và gỡ phần bình luận có hình ảnh sai lệch. Cô thừa nhận sai sót khi không kiểm chứng nguồn ảnh trước khi chia sẻ.
Hiện trạng tàu Vịnh Xanh 58 sau khi được trục vớt, lai dắt vào bờ, chiều 20/7. Ảnh: Việt Linh.
Anh Tuấn mong người dùng mạng ngừng chia sẻ và tương tác với bức ảnh bị xuyên tạc, tránh lan truyền thông tin không đúng về vụ tai nạn thương tâm. Đồng thời, anh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội.
"Không thể tiếp tục để những nỗi đau, mất mát của người khác bị biến thành công cụ câu view, câu like. Càng không thể để ảnh của người vô can bị sử dụng sai mục đích như vậy", anh nói.
Chiều 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến chở 46 du khách và 3 thuyền viên tham quan tuyến 2 vịnh Hạ Long. Sau khoảng 35 phút, khi đến phía Đông của hang Đầu Gỗ, dông gió nổi lên kèm sấm sét, mưa đá đã xô nghiêng rồi đẩy tàu lật úp, toàn bộ hành khách và thuyền viên chìm xuống biển.
Tính đến chiều 22/7, cơ quan chức năng xác định 37 người tử vong, 2 người vẫn mất tích, 10 người được cứu sống.
Châu Sa