Phiến quân M23 tại thành phố Goma, miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 30/1. Ảnh: Reuters.
Ít nhất 773 người thiệt mạng tại Goma - thành phố lớn nhất miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và vùng phụ cận trong tuần rồi, trong bối cảnh giao tranh gia tăng với phiến quân do Rwanda hậu thuẫn, chính quyền Congo cho biết, theo Guardian.
Phiến quân M23 chiếm được Goma, nơi có nhiều mỏ vàng, coltan và thiếc, sau khi mở đợt tấn công quy mô lớn ngày 26/1. Nhóm vũ trang người Tutsi này sau đó tiếp tục mở đợt tấn công nhằm về hướng Bukavu và đạt một số bước tiến.
Số người chết có thể cao hơn
Người phát ngôn của chính phủ Congo Patrick Muyaya cho biết trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kinshasa ngày 1/2 rằng 773 người thiệt mạng và 2.880 người bị thương được xác định thông qua các nhà xác và bệnh viện của Goma, đồng thời nói thêm rằng số người chết có thể cao hơn.
Hàng trăm cư dân Goma đã trở về thành phố hôm 1/2 sau khi quân nổi dậy tuyên bố sẽ khôi phục các dịch vụ cơ bản bao gồm nước và điện. Cư dân đã dọn dẹp những khu phố ngổn ngang mảnh vỡ vũ khí và đầy tang thương.
“Mệt mỏi quá và không biết phải đi đâu. Ở mọi góc phố đều có người đang than khóc”, Jean Marcus, 25 tuổi, có người thân nằm trong số những người thiệt mạng trong cuộc giao tranh, trải lòng.
M23 là nhóm vũ trang mạnh nhất trong số hơn 100 nhóm đang tranh giành quyền kiểm soát ở phía đông giàu khoáng sản của Congo, nơi nắm giữ các mỏ khoáng sản khổng lồ có vai trò quan trọng đối với phần lớn công nghệ của thế giới.
Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, M23 được sự hậu thuẫn của khoảng 4.000 quân từ nước láng giềng Rwanda, nhiều hơn đáng kể so với năm 2012, khi nhóm này lần đầu tiên giành được Goma và chiếm giữ trong nhiều ngày trong một cuộc xung đột do bất bình về sắc tộc.
Khi cuộc giao tranh tiếp diễn với phiến quân M23 hôm 1/2, quân đội Congo đã chiếm lại các ngôi làng Sanzi, Muganzo và Mukwidja ở lãnh thổ Kalehe của Nam Kivu, nơi đã rơi vào tay phiến quân vào đầu tuần rồi.
Quân đội của quốc gia Trung Phi này đã suy yếu sau khi mất hàng trăm binh lính và quân đánh thuê nước ngoài đã đầu hàng phiến quân sau khi Goma thất thủ.
Người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc Jean-Pierre Lacroix hôm 31/1 nói rằng lực lượng M23 và Rwanda cách thủ phủ Bukavu của tỉnh Nam Kivu khoảng 60 km về phía bắc.
Ông Lacroix cho biết quân nổi dậy "có vẻ đang di chuyển khá nhanh" và việc chiếm được một sân bay cách đó vài km "sẽ là bước tiến thực sự đáng kể khác".
Người dân mua hàng tại chợ Alanine sau khi các hoạt động thương mại được nối lại một cách dè dặt vài ngày sau khi nhóm phiến quân M23 chiếm giữ thị trấn, tại Goma, ngày 31/1. Ảnh: Reuters.
Khủng hoảng nhân đạo
Việc Goma bị chiếm giữ đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp, Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ cho biết. Goma đóng vai trò là một trung tâm nhân đạo, rất quan trọng đối với nhiều người trong số 6 triệu người phải di dời do cuộc xung đột ở miền Đông Congo. Phe nổi dậy cho biết sẽ tiến quân đến tận Kinshasa, cách đó 1.600 km về phía tây.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 31/1 rằng Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác đã đánh giá với chính phủ Congo từ ngày 26 đến ngày 30/1 và ghi nhận 700 thiệt mạng, 2.800 người bị thương ở Goma và vùng lân cận.
Người phát ngôn của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc Jeremy Laurence hôm 31/1 cho biết bước tiến của quân nổi dậy đã để lại sau lưng những vụ giết người ngoài vòng pháp luật và cưỡng bức bắt lính thường dân.
Ông cho biết: "Chúng tôi cũng đã ghi nhận các vụ hành quyết nhanh ít nhất 12 người của M23" trong khoảng thời gian từ ngày 26 đến ngày 28/1, đồng thời nói thêm rằng nhóm này đã chiếm đóng các trường học, bệnh viện trong tỉnh và đang ép dân thường phải nhập ngũ và lao động cưỡng bức.
Ông Laurence cho biết các lực lượng Congo bị cáo buộc bạo lực tình dục khi giao tranh tiếp diễn trong khu vực, đồng thời nói thêm rằng Liên Hợp Quốc đang xác minh các báo cáo về việc binh sĩ Congo đã hãm hiếp 52 phụ nữ ở Nam Kivu.
Việc chiếm giữ Goma đã khiến các hoạt động nhân đạo "bị đình trệ, cắt đứt một tuyến đường quan trọng để cung cấp viện trợ trên khắp miền Đông (Congo)", bà Rose Tchwenko, giám đốc quốc gia của nhóm cứu trợ Mercy Corps tại Congo xác nhận.
"Sự leo thang bạo lực đối với Bukavu làm dấy lên nỗi lo về tình trạng di dời thậm chí còn lớn hơn, trong khi việc tiếp cận nhân đạo bị phá vỡ khiến toàn bộ cộng đồng bị mắc kẹt mà không có sự hỗ trợ", bà Tchwenko nói thêm.
Dương Lam