Đặt mục tiêu giành vé dự World Cup 2026 để tạo nền tảng thành tích cho việc chuẩn bị nhận đăng cai những ngày hội lớn của bóng đá thế giới sau đó 8 năm, thế nhưng có vẻ như Ả Rập Saudi đã bắt đầu vỡ mộng.
Ám ảnh vòng loại
Theo quy định, chỉ có 2 đội đứng đầu mỗi bảng đấu - vòng loại World Cup thứ ba khu vực châu Á gồm 3 bảng đấu với 18 đội - mới giành vé vào thẳng vòng chung kết, còn các đội xếp thứ ba và tư mỗi bảng phải tranh tiếp vòng loại thứ tư, thứ năm mới có vé đi World Cup 2026.
Sau 6 lượt đấu của vòng loại thứ ba, tuyển Ả Rập Saudi chỉ mới có được trong tay 6 điểm nhờ một chiến thắng trước Trung Quốc và 3 trận hòa lần lượt với Indonesia, Bahrain và Úc. Với phong độ phập phù như vậy, cơ hội dành cho Ả Rập Saudi xem ra không nhiều khi họ còn phải lần lượt đối đầu cùng Trung Quốc, Bahrain và 2 đội đầu bảng là Nhật Bản và Úc.
“Hung thần” Marselino Ferdinan (áo trắng) của Indonesia đã gieo sầu cho đội bóng nhà giàu Ả Rập Saudi. (Ảnh: REUTERS)
Chuyện gì đang xảy đến với một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Á? Liệu đã có thể đưa ra đánh giá vội vã về một nền bóng đá đang đi lên hoặc sa sút chỉ bằng vài trận đấu của đội tuyển quốc gia? Tất nhiên rồi, không thể, thế nhưng việc đội bóng được dẫn dắt bởi 2 HLV danh tiếng Roberto Mancini rồi Herve Renard trong hơn 15 tháng qua lại thi đấu cực tệ trước các đối thủ yếu như Bahrain và Indonesia hoàn toàn rất khó để chấp nhận.
Nguy cơ và hiểm họa
Khi được bổ nhiệm vào cương vị thuyền trưởng và tiếp nhận bản hợp đồng 4 năm dẫn dắt tuyển Ả Rập Saudi trị giá 100 triệu euro, HLV Roberto Mancini không thể nghĩ đó lại là một trong những công việc khó nhằn nhất thế giới bóng đá.
Ông thầy người Ý ra đi chỉ sau 14 tháng khi nhận ra hiện thực cay đắng: Cầu thủ Ả Rập Saudi không được tạo điều kiện ra sân ở đấu trường quốc nội và đội tuyển quốc gia được xây dựng trên bộ khung nhân sự yếu ớt cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm trận mạc khó mà gặt hái thành công.
Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, Roberto Mancini và tuyển Ả Rập Saudi chỉ thắng 7/18 trận, bao gồm cả một chiến dịch Asian Cup kém cỏi khi bị loại sớm từ vòng 16 đội. Mancini ra đi, Herve Renard thay thế nhưng đội bóng xứ sở dầu mỏ vẫn chưa cải thiện được tình hình, thậm chí mọi thứ còn rối bời hơn.
Siêu sao Cristiano Ronaldo, cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới Ả Rập và góp công quan trọng quảng bá giải đấu nhà nghề Saudi Pro League (SPL) khắp hành tinh, khẳng định SPL từng bước bắt kịp các giải đấu hàng đầu châu Âu về độ hấp dẫn và cả đẳng cấp. Tuy vậy, thực tế không chỉ có màu hồng dù giải đấu này thời gian qua thu hút những tên tuổi hàng đầu như Ronaldo, Neymar, Karim Benzema, N'Golo Kante, Sadio Mane…
Những gì đang xảy đến với bóng đá Ả Rập Saudi khiến người ta nhớ lại câu chuyện tại Trung Quốc cách đây chưa đầy một thập niên. Các CLB tham gia China Super League (Giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc) mùa đầu tiên 2016 đã đổ tiền không run tay để đưa về những ngôi sao sân cỏ hàng đầu thế giới.
Sau sự háo hức buổi đầu, cái giá phải trả là những cầu thủ bản địa Trung Quốc không có chỗ đứng tại các CLB và phong độ ngày càng sa sút vì ít cơ hội thi đấu. Những ngoại binh cuối cùng chuẩn bị rời sân cỏ Trung Quốc khi hết hợp đồng, nhiều CLB phá sản, giải thể còn đội tuyển Trung Quốc luôn sắm vai "kẻ ngoài cuộc" ở các kỳ World Cup.
Vấn đề của SPL nghiêm trọng hơn nhiều. Số lượng những ngôi sao tầm cỡ thế giới chơi bóng ở giải đấu này lên đến cả trăm người khi số lượng ngoại binh ở mỗi CLB được ấn định ở con số 10, tức cao gấp đôi so với China Super League trước đây. Lời than phiền "50%-60% cầu thủ Ả Rập Saudi ít được thi đấu cọ xát" của Roberto Mancini là có cơ sở khi các vị trí chủ chốt ở từng CLB đều do các ngoại binh nắm giữ.
Bài toán về tìm phương án cân bằng giữa việc tăng cường sức mạnh đội tuyển quốc gia và thu hút các ngôi sao ngoại cho giải vô địch quốc nội một lần nữa trở nên vô cùng nan giải với các nền bóng đá đang phát triển. Ai cũng biết rõ, các ngôi sao mang đến tính chuyên nghiệp, kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, qua đó nâng cao trình độ của các cầu thủ trẻ trong nước.
Nhưng làm thế nào để trao cơ hội thi đấu cho các cầu thủ nội trước áp lực thành tích lại là điều khiến các nhà quản lý đau đầu. Không được thi đấu thường xuyên ở CLB, cầu thủ rất khó phát triển, khó đạt được phong độ mong muốn.
Chuyến hành quân đến "chảo lửa" Gelora Bung Karno (Indonesia) đêm 19-11, trong khuôn khổ vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á chắc chắn sẽ để lại vết hằn khó phai trong tâm trí đội bóng vùng Trung Đông. Ả Rập Saudi cả trận cầm bóng 77%, sút đến 23 lần nhưng vẫn phải nhận thất bại 0-2 trước chủ nhà Indonesia, đội bóng kém họ 71 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Hai pha lập công chia đều trong hai hiệp của Marselino Ferdinan giúp Indonesia "nhảy" liền ba bậc, giành luôn vị trí thứ 3 bảng C từ tay Ả Rập Saudi cũng như đẩy đối thủ lùi xuống hạng 4.
ĐÔNG LINH