Chuyện gì đang xảy ra với các trường đại học Mỹ?

Chuyện gì đang xảy ra với các trường đại học Mỹ?
4 giờ trướcBài gốc
Các trường đại học định hướng nghiên cứu sẽ bị ảnh hưởng nếu thiếu tài trợ. Ảnh: US News.
Hàng năm, Đại học Gallaudet ở Washington (Mỹ) đào tạo hàng trăm sinh viên bị điếc hoặc khiếm thính, đồng thời chi hàng triệu USD cho việc nghiên cứu về những tiến bộ trong khoa học thần kinh, liên quan học tập thị giác và tìm hiểu nguyên nhân di truyền gây ra chứng chiếc ở người.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Đại học Gallaudet đứng trước nỗi lo lớn về tài chính vì chính quyền ông Trump có kế hoạch đóng băng tất cả khoản trợ cấp và cho vay của liên bang.
Không còn tiền hoạt động nếu bị cắt tài trợ
Vào năm 2023, nguồn tài trợ của liên bang chiếm 65% tổng doanh thu hoạt động hàng năm của Đại học Gallaudet.
Với khoảng 170 triệu USD tiền tài trợ, trường này tuyển được hơn 230 giáo sư, nhiều người trong đó là người khiếm thính, để đào tạo cho sinh viên. Nhưng nếu ông Trump thu hồi trợ cấp, ngôi trường này sẽ đứng trước nguy cơ thiếu chi phí hoạt động.
Không riêng Gallaudet, một trường đại học khác cũng nằm trong nhóm nguy cơ là United Talmudic Seminary - nơi đào tạo hơn 2.000 nam sinh. Doanh thu hàng năm của trường là khoảng 46 triệu USD và hơn 50% trong số đó đến từ nguồn tài trợ liên bang.
Những trường đại học dành cho người da đen như Đại học Howard, Đại học Saint Augustine, Đại học Voorhees... cũng không "thoát nạn". Trong năm 2023, khoản tài trợ liên bang mang lại cho những trường này ít nhất 29% doanh thu và khoản tiền này đang có nguy cơ mất trắng.
Những trường khác chủ yếu phục vụ sinh viên không phải người da trắng cũng có nguy cơ mất hỗ trợ, điển hình là Universidad Central de Bayamón. Ngôi trường này có khoảng 900 sinh viên, hầu hết là người gốc Tây Ban Nha và Latinh. Mỗi năm, tổng doanh thu của trường là khoảng 9,3 triệu USD, nhưng nguồn tài trợ góp khoảng 59% trong số đó, theo Forbes.
Ngoài hoạt động nghiên cứu, các khoản tài trợ cũng được dùng để duy trì, vận hành cơ sở vật chất. Ảnh: Harvard College - Harvard University.
Đại học hàng đầu cũng ảnh hưởng
Không riêng các đại học nhỏ, những trường danh tiếng hàng đầu ở Mỹ cũng nhận được trợ cấp liên bang. Chính phủ Mỹ tiết lộ trong năm 2023, 30 trường đại học tư thục hàng đầu ở nước này nhận được được nguồn tài trợ với tổng giá trị 20 tỷ USD.
Đến cả Harvard - trường đại học giàu nhất nước Mỹ - cũng nhận được khoảng 649 triệu USD tài trợ, chiếm khoảng 11% doanh thu của trường. Hay như Đại học Princeton cũng nhận được khoảng 208 triệu USD vào năm 2023, chiếm gần 43% doanh thu của trường.
Những bên hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn tài trợ của liên bang là các trường định hướng nghiên cứu khoa học và y khoa như Đại học Johns Hopkins và Viện Công nghệ Massachusetts. Trong năm 2023, hai trường này nhận được số tiền hỗ trợ lần lượt là 4 tỷ và 1,6 tỷ USD, tương đương 40% và 52% doanh thu hoạt động của trường.
Nếu chính quyền ông Trump đóng băng nguồn tài trợ liên bang cho các trường đại học, không chỉ hoạt động nghiên cứu, hoạt động dạy và học cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo giáo sư David H. Feldman tại Đại học William & Mary, nguồn tài trợ liên bang thường được chia thành 2 phần chính. Phần đầu tiên phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và sẽ chi trực tiếp cho dự án, có thể bao gồm các chi phí liên quan như thiết bị, vật liệu và trả lương cho nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Phần thứ hai thường được gọi là chi phí chung, hoặc gọi gián tiếp và chi phí cơ sở vật chất và hành chính (F&A), được các trường dùng để chi trả tiền điện, bảo trì cơ sở vật chất, hỗ trợ công nghệ thông tin...
Phần tiền F&A có thể khác, tùy vào từng trường và nguồn tiền hỗ trợ. Nhưng tại những trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu, khoảng 50-60% số tiền hỗ trợ của liên bang dùng để chi trả cho cơ sở vật chất và hoạt động hành chính.
Trong tuần qua, chính quyền ông Trump ít cung cấp thông tin về lệnh đóng băng nguồn tài trợ, chỉ nói rằng các khoản vay sinh viên và trợ cấp Pell sẽ không ảnh hưởng.
Một điều mà giáo sư Feldman nhấn mạnh là dù lệnh đóng băng nguồn tài trợ có hiệu lực hay không, các nguồn tài trợ này vẫn ít nhiều bị lung lay dưới thời ông Trump.
"Với những trường nhận được nguồn tài trợ lớn, tôi hy vọng họ hiểu rằng tài trợ cho nghiên cứu là công việc của họ và họ nên ngừng phụ thuộc quá nhiều vào liên bang", giáo sư khuyên.
Tú Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-cac-truong-dai-hoc-my-post1529290.html