Thỏa thuận ngừng bắn dự kiến có hiệu lực từ 19/1 giữa Israel và Hamas được dự đoán có tác động rộng khắp đối với nhiều bên ở Trung Đông.
Thỏa thuận nói trên được thực hiện theo từng giai đoạn, nêu rõ lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 6 tuần với việc lực lượng Israel dần rút quân khỏi Dải Gaza, theo Reuters.
Một số con tin do lực lượng Hamas bắt giữ sẽ được thả để đổi lấy tù nhân Palestine do Israel giam giữ.
Đàm phán thực hiện giai đoạn 2 của thỏa thuận sẽ bắt đầu vào ngày thứ 16 của giai đoạn 1, dự kiến thả tất cả con tin, ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza. Giai đoạn 3 gồm trao trả tất cả thi thể và bắt đầu tái thiết Gaza do Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc giám sát.
Áp-phích ở Tehran (Iran) với hình ảnh các lãnh đạo của Hamas và Hezbollah thiệt mạng trong xung đột ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters.
Giới quan sát nhận định nhiều lực lượng Hồi giáo ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí là suy yếu sau nhiều năm hoạt động mạnh mẽ, theo Guardian.
Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon cùng một số tổ chức dân quân Hồi giáo dòng Shia ở Iraq và Syria được dự đoán sẽ mất đi một phần ảnh hưởng.
Tương tự, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ còn là cái bóng của chính lực lượng này trong quá khứ. Chỉ có tổ chức Houthi ở Yemen được nhận định là sẽ mở rộng ảnh hưởng song điều này không hẳn sẽ duy trì lâu.
Thế yếu của Hamas
Mặc dù không có dữ liệu uy tín nào được công bố và bản thân Hamas đã chiêu mô được nhiều thành viên mới, lực lượng quân sự của tổ chức này được cho là đã suy yếu nặng nề sau các đợt tấn công của Israel khiến phần lớn lãnh đạo cấp cao và bậc trung bị tiêu diệt, theo Guardian.
Hamas vẫn duy trì quyền kiểm soát ở một số khu vực rải rác trên Gaza song điều này không thể tương xứng với sự quản lý hoàn toàn của Hamas trên khắp Gaza trong suốt 16 năm.
Vào tháng 10/2024, lãnh đạo Yahya Sinwar của Hamas, người đứng sau kế hoạch tấn công bất ngờ hồi 2023 làm nổ ra đợt xung đột quân sự với Israel, đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ ở phía nam Gaza. Lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh của Hamas cũng bị ám sát tại Tehran bởi Israel.
Cái chết của lãnh đạo Yahya Sinwar là tổn thất to lớn đối với Hamas. Ảnh: Reuters.
Quyền lãnh đạo đối với Hamas giờ đây bị chia rẽ bởi một nhóm các nhà hoạt động chính trị hải ngoại và những người bảo thủ ở Gaza. Diễn biến này cộng với việc Israel miễn cưỡng rút hẳn khỏi Gaza có thể dẫn đến một số bất cập với thỏa thuận ngừng bắn, hãng tin Guardian nhận định.
"Người dân Gaza đã mệt mỏi với Hamas. Họ muốn tái cấu trúc và hiểu rõ rằng cộng đồng quốc tế sẽ không chi viện một đồng nào nếu Hamas tiếp tục nắm quyền", nhà khoa học chính trị Mkhaimar Abusada thuộc Đại học Al-Azhar nhận định về sự suy yếu của Hamas sau thỏa thuận ngừng bắn.
Mặc dù một số chuyên gia chỉ ra sự ủng hộ nhiệt thành đối với Hamas ở Bờ Tây, nhiều người bày tỏ sự quan ngại xoay quanh "cuộc khủng hoảng về tính chính danh" của tổ chức này.
"Trục kháng cự" suy yếu
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến đáng kể đối với tình hình Trung Đông được cho là xuất phát từ việc những đồng minh mạnh nhất của Hamas đã không còn có thể hậu thuẫn lực lượng này.
Hezbollah, viên gạch trụ quan trọng trong "trục kháng cự" của Tehran, đã suy yếu nặng nề sau những tổn thất về mặt lãnh đạo cấp cao trong các đợt xung đột với Israel vào tháng 10/2024.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, vốn là cơ sở hậu cần và cung đường vận chuyển quan trọng cho các lực lượng thân Iran trong hơn 40 năm, cũng góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến Hamas.
Vào giữa tháng 1, Quốc hội Lebanon đã chọn ra tổng thống mới với lập trường hạn chế quyền lực của Hezbollah.
Sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng Hamas. Ảnh: Reuters.
"Hamas không thay đổi nhưng tình hình quốc tế thì đã khác", Guardian dẫn một nguồn tin thân cận với Hamas nhận định.
Trong bối cảnh cả Hamas lẫn Hezbollah đều suy yếu, Houthi là lực lượng duy nhất trong số các tổ chức được Iran hậu thuẫn vẫn còn hoạt động tích cực.
Houthi hiện vẫn tiếp tục khai hỏa tên lửa về phía Israel và nhắm vào công tác vận chuyển quốc tế. Các đợt không kích gần đây của Israel dường như không làm Houthi chùn bước. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng thỏa thuận ngừng bắn ít nhiều sẽ làm giảm nhiệt tình hình trong khu vực.
Đại Hoàng