Hồi tháng 8, thẩm phán Amit Mehta kết luận, Google duy trì độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo.
Hôm 21/11, Bộ Tư pháp Mỹ gửi văn bản đề nghị thẩm phán ép Google bán trình duyệt web Chrome.
Nếu điều này xảy ra, Google sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong khi các nhà quảng cáo và tìm kiếm Internet khác lại được hưởng lợi.
Theo Giáo sư John Kwoka từ Đại học Northeastern, khi tách Chrome khỏi Google và ngăn chặn các thỏa thuận tìm kiếm, các nhà quảng cáo sẽ không cần phải trả tiền cho một công cụ thống trị để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Google dựa vào Chrome để phát triển và duy trì đế chế quảng cáo tìm kiếm. Chrome nắm 61% thị phần trình duyệt Mỹ, theo hãng phân tích StatCounter.
Nó trở thành công cụ phân phối giá trị đối với Google Search và là cánh cổng dẫn đến thói quen tìm kiếm của hàng tỷ người dùng. Khi mở Chrome và nhập truy vấn tại thanh tìm kiếm, chúng tự động chuyển sang Google Search.
Điều này không xảy ra trên các trình duyệt khác và thiết bị không phải Google. Chẳng hạn, với máy tính Windows, trình duyệt và công cụ tìm kiếm mặc định là Edge và Bing.
Để trở thành lựa chọn mặc định, Google phải trả hàng tỷ USD cho các đối tác.
Bộ Tư pháp Mỹ muốn ép Google bán Chrome để phá thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm. Ảnh: Insider
Chrome giúp Google tránh được tất cả chi phí và sự phức tạp này vì kiểm soát và thiết lập công cụ tìm kiếm mặc định miễn phí.
Có sẵn công cụ phân phối, Google thu thập hàng núi dữ liệu người dùng từ trình duyệt và từ tìm kiếm trong trình duyệt. Thông tin giúp quảng cáo mục tiêu có giá hơn.
Bên cạnh đó, khi người dùng sử dụng Chrome để tìm kiếm trên web, Google sẽ theo dõi kết quả mà họ nhấp vào. Nó nạp các phản hồi này trở lại công cụ tìm kiếm để cải thiện sản phẩm.
Ví dụ, nếu hầu hết mọi người nhấp vào kết quả thứ ba, công cụ của Google có thể điều chỉnh và xếp hạng kết quả đó cao hơn.
Rất khó cạnh tranh với hệ thống tự tăng cường này. Một cách để cạnh tranh là phân phối nhiều hơn Google. Nếu Chrome là sản phẩm độc lập, các công cụ tìm kiếm đối thủ có thể nhận được một phần của “ma thuật” phân phối.
Google còn xem Chrome như một con đường để giới thiệu người dùng với các sản phẩm AI mới, bao gồm Lens, khi cạnh tranh với các đối thủ như OpenAI.
Nhiều người đã thử đối đầu với Google trên thị trường trình duyệt nhưng đều thất bại. Có thể kể đến Neeva, công cụ tìm kiếm ưu tiên quyền riêng tư do cựu giám đốc quảng cáo Google Sridhar Ramaswamy phát triển.
Neeva chỉ tồn tại 4 năm trước khi phải đóng cửa. Ông thừa nhận thành công của Google không chỉ nhờ vào sản phẩm tốt hơn mà còn là số lượng quyết định phân phối đáng kinh ngạc.
Teiffyon Parry, Giám đốc chiến lược hãng công nghệ quảng cáo Equativ nhận xét, mất đi 3 tỷ người dùng Chrome hàng tháng sẽ là “đòn giáng không nhỏ” đối với Google.
Tuy nhiên, công ty có những cách khác để tiếp cận người dùng và thu thập dữ liệu, bao gồm Gmail, YouTube, phần cứng và Play Store. Họ cũng có một ứng dụng riêng hoạt động như trình duyệt web và có tiềm năng thay thế Chrome hiệu quả.
Parry gọi đây là “bất tiện có thể quản trị được”.
Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng độc lập Lukasz Olejnik lại bày tỏ lo ngại về thị trường web nói chung nếu Chrome bị bán đi. Ông cho rằng Chrome đang ứng dụng các tiến bộ rất nhanh nhờ hỗ trợ tài chính của Google.
Trình duyệt có thể phải vật lộn nếu đứng riêng và hệ quả là làm suy yếu cả hệ sinh thái web.
“Kịch bản tồi tệ nhất là suy giảm quyền riêng tư và an toàn của hàng tỷ người dùng, cũng như tội phạm mạng gia tăng ở mức độ không thể tưởng tượng nổi”, ông cảnh báo.
Một trong những câu hỏi lớn nhất còn bỏ ngỏ là ai đủ khả năng mua Chrome. Hãng tin Bloomberg ước tính giá trị của trình duyệt ít nhất 15 – 20 tỷ USD. Các quan chức chống độc quyền có thể ngăn một công ty lớn thâu tóm Chrome.
Google dự định kháng cáo bất kỳ phán quyết nào, dẫn đến việc trì hoãn quyết định thi hành thêm vài năm nữa. Lee-Anne Mulholland – Phó Chủ tịch các vấn đề pháp lý Google – lập luận hành động của Bộ Tư pháp sẽ gây tổn hại đến người dùng, nhà phát triển và vị thế lãnh đạo công nghệ của nước Mỹ tại thời điểm quan trọng nhất.
(Theo Insider, Bloomberg)
Du Lam