Nhân viên Quốc hội Hàn Quốc lấy ghế chặn cửa giữa thiết quân luật Các nhân viên đã lấy ghế chặn cửa ngăn binh lính xông vào tòa nhà Quốc hội để bắt giữ các nhà lập pháp trong thời gian Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12, chỉ trích phe đối lập là “lực lượng chống nhà nước” đe dọa nền dân chủ của Hàn Quốc.
Theo Guardian, động thái bất ngờ từ ông Yoon - đánh dấu lần đầu tiên thiết quân luật được thiết lập tại Hàn Quốc sau hơn 4 thập niên - đã khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.
6 giờ sau, ông Yoon nhượng bộ và dỡ bỏ lệnh trước sự phản đối của các nhà lập pháp và người biểu tình.
Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ảnh: The Presidential Office.
Thiết quân luật là gì?
Ông Yoon đưa ra quyết định này trong bài phát biểu trên truyền hình giữa đêm khuya, cáo buộc phe đối lập làm tê liệt chính phủ bằng “các hoạt động chống nhà nước”.
Một sắc lệnh 6 điểm từ Chỉ huy Thiết quân luật, Tướng Park An Su, nhanh chóng được ban hành sau đó: Cấm các hoạt động chính trị và đảng phái, tuyên truyền sai sự thật, đình công và các cuộc tụ tập kích động bất ổn xã hội.
Sắc lệnh này đưa tất cả cơ quan truyền thông vào diện thiết quân luật và chỉ đạo tất cả nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ đình công, phải quay trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.
Động thái của ông Yoon gợi nhớ đến thời kỳ những năm 1980. Quyết định ngay lập tức bị phe đối lập và lãnh đạo đảng của chính ông Yoon lên án.
Ông Yoon nói mình làm vậy để bảo vệ nền dân chủ tự do khỏi “các thành phần chống nhà nước" và "các mối đe dọa từ Triều Tiên", nhưng không nêu chi tiết.
Thông báo bất ngờ được đưa ra trong bối cảnh ông Yoon và đảng Dân chủ đối lập tranh cãi về ngân sách. Phe đối lập đã cắt 4.100 tỷ won (2,8 tỷ USD) từ ngân sách 677.000 tỷ won ông Yoon đề xuất cho năm 2025. Vị tổng thống phàn nàn “tất cả ngân sách quan trọng cần thiết phục vụ các chức năng cốt lõi của quốc gia" đều bị cắt giảm.
Chuyện gì đã xảy ra tại Quốc hội?
Lực lượng an ninh đã phong tỏa Quốc hội, trực thăng hạ cánh trên mái nhà và quân đội trấn áp tòa nhà trong một thời gian ngắn, dường như nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp vào bên trong.
Tuy nhiên, 190 nhà lập pháp đã tiếp cận được bên trong và bỏ phiếu nhất trí bác bỏ tuyên bố của ông Yoon, kêu gọi dỡ bỏ thiết quân luật.
Lính Hàn Quốc tiến vào tòa nhà chính của Quốc hội sau khi tổng thống ban bố thiết quân luật hôm 3/12. Ảnh: Yonhap News.
Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, hàng trăm người biểu tình tụ tập, nhiều người hô vang khẩu hiệu kêu gọi bắt giữ ông Yoon. Một số người đã xô xát với quân đội, nhưng hiện chưa có báo cáo về thương tích hay thiệt hại lớn về tài sản.
Một người phụ nữ đã tìm cách giật khẩu súng trường khỏi tay một người lính nhưng không thành công, đồng thời hét lên: "Anh không thấy xấu hổ sao?".
Tại sao ông Yoon lùi bước?
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, cuộc bỏ phiếu dỡ bỏ thiết quân luật của Quốc hội phải được tôn trọng. Các quan chức quân sự ban đầu cho biết bất chấp kết quả, thiết quân luật vẫn có hiệu lực cho đến khi chính ông Yoon tuyên bố gỡ bỏ.
Song phe đối lập đã thống nhất trên mọi đường lối chính trị. Chính lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ cầm quyền của ông Yoon gọi quyết định áp đặt thiết quân luật là "sai". Lee Jae-myung - lãnh đạo phe đối lập thua sít sao trước ông Yoon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 - cáo buộc thông báo của tổng thống là “bất hợp pháp và vi hiến”. Đảng Dân chủ đối lập do ông Lee lãnh đạo phê phán gay gắt hành động của tổng thống.
Sáu giờ sau khi ban bố thiết quân luật, ông Yoon tuyên bố quân đội sẽ trở về doanh trại và lệnh này sẽ được dỡ bỏ sau cuộc họp nội các.
Quốc tế phản ứng ra sao?
Nhà Trắng cho biết Mỹ "nhẹ nhõm" khi ông Yoon đảo ngược quyết định ban bố thiết quân luật. "Dân chủ là nền tảng của liên minh Mỹ - Hàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, một phát ngôn viên cho hay.
Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đã hủy bỏ các cuộc hẹn thường lệ vào ngày 4/12 như một biện pháp phòng ngừa. Thông báo từ Đại sứ quán viết dù thiết quân luật đã được gỡ bỏ, “tình hình vẫn còn bất ổn”.
Hàn Quốc là đồng minh châu Á quan trọng của Mỹ, khi có hơn 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại nước này.
Thành viên đảng Dân chủ đối lập dựng rào chắn chặn binh lính tại tòa nhà Quốc hội hôm 3/12. Ảnh: Yonhap News.
Anh, Nga và Nhật Bản ngày 4/12 cũng lên tiếng quan ngại về tình hình ở Hàn Quốc.
Chuyến thăm Seoul của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong tuần này bị hoãn lại. "Chúng tôi đã liên hệ với Hàn Quốc trong sáng nay và sẽ cùng nhau tìm thời điểm mới thích hợp cho chuyến thăm", một phát ngôn cho biết. "Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn được thực hiện chuyến thăm trong tương lai".
Dư luận cảm nhận thế nào?
"Đối với một vị tổng thống tập trung vào danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, chuyện này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn", Mason Richey - giáo sư tại Hankuk University of Foreign Studies - cho biết. "Diễn biến sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và tiền tệ, cũng như vị thế ngoại giao của Hàn Quốc trên thế giới".
Phóng viên Raphael Rashid - đưa tin cho tờ Guardian từ Seoul - viết vào buổi sáng 4/12, Hàn Quốc chìm trong sự bối rối và buồn bã. “Với thế hệ cũ chiến đấu trên đường phố chống lại chế độ độc tài quân sự, thiết quân luật gợi lại nỗi đau, chứ không phải Hàn Quốc thế kỷ XXI. Còn thế hệ trẻ xấu hổ vì danh tiếng đất nước bị hủy hoại. Mọi người đều hoang mang”, ông viết.
"Ngoài ra, ai cũng tự hỏi mục đích cuối cùng của ông Yoon là gì. ‘Luận tội’ nhanh chóng trở thành câu cửa miệng của mọi người. Trên chính trường, ông Yoon đang đối mặt với những lời kêu gọi từ chức hoặc bị luận tội", ông viết thêm.
Reuters nhận định tuyên bố thiết quân luật gây sốc lúc nửa đêm của ông Yoon đẩy nhiều năm xung đột với những người phản đối trong nước, giới truyền thông và thậm chí cả chính đảng của tổng thống lên đỉnh điểm và khiến tương lai chính trị của ông bấp bênh.
Sức ép chính trị lên ông Yoon ngày càng tăng sau thông báo “đánh úp” giữa đêm khuya. Đảng đối lập đã yêu cầu ông từ chức, cáo buộc tổng thống về tội “nổi loạn”. Nhóm nghiệp đoàn lao động lớn của đất nước cũng kêu gọi “tổng đình công vô thời hạn” cho đến khi tổng thống từ chức vì “biện pháp phi lý và phản dân chủ”.
Trong khi đó, đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon mô tả nỗ lực áp đặt thiết quân luật là “thảm kịch” và yêu cầu những người liên quan chịu trách nhiệm.
Theo Reuters, Quốc hội có thể luận tội tổng thống nếu hơn 2/3 nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ. Sau đó, Tòa án Hiến pháp sẽ tiến hành xét xử, có thể xác nhận nếu 6/9 thẩm phán đồng thuận. Đảng của ông Yoon đang kiểm soát 108 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 300 thành viên.