PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: LV
Chiều 11/5, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm” với sự tham gia của 2 diễn giả: PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); ThS Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, học sinh, hỗ trợ đưa ra lựa chọn phù hợp trong bối cảnh học sinh lớp 9 đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về cách ra đề thi, kiến thức cũng như quy chế thi.
Khẳng định tầm quan trọng của việc hướng nghiệp với học sinh THPT, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, hướng nghiệp không phải là chọn 1 nghề mà là cả sự nghiệp tương lai nên ngoài hướng nghề còn hướng học. Vì thế khi chọn trường, phụ huynh, học sinh cần xem xét triết lý giáo dục của trường. Ví dụ triết lý của trường là hướng cho trẻ nhiều hoạt động trải nghiệm, dự án thì không gian, cơ sở vật chất phải đủ để các em thực hiện được các hoạt động đó. Tiếp đó là xem xét đến triển khai triết lý đó trong chương trình của trường như thế nào. Bởi ngoài các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các trường, đây là yếu tố thặng dư của từng ngôi trường. Văn hóa trong trường cũng là yếu tố quan trọng được thể hiện trong mối quan hệ giữa thầy với trò. Ngoài ra, các trường có thêm các câu lạc bộ, chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh cũng là điểm cộng để phụ huynh, học sinh có thể cân nhắc khi chọn trường.
“Phụ huynh cần tìm hiểu xem chương trình giáo dục của trường hướng đến cho số đông hay cá nhân hóa, từng nhóm. Ví dụ chương trình của trường theo đúng chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay theo hướng thiết kế có thể nuôi dưỡng những tiềm năng của con mình về nghệ thuật, thể thao", PGS.TS Trần Thành Nam nói. Cuối cùng cần xem chương trình giáo dục của trường có khả năng mang đến những kỹ năng mà phụ huynh mong mỏi trang bị cho con em mình, phù hợp với công dân trong thế kỷ 21 hay không.
Từ kinh nghiệm cũng như góc nhìn Giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra, phụ huynh thường quan tâm đến các nhóm kỹ năng: kỷ luật bản thân; tổ chức; thuyết phục và làm việc nhóm; năng lực sử dụng công nghệ... Phụ huynh cần lựa chọn môi trường nào mà cảm thấy có thể rèn cho con mình những năng lực như vậy thì kể cả sau này chọn bất cứ ngành gì, con vẫn có cơ hội thành công cao hơn.
Bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức, Hà Nội chia sẻ về môi trường giáo dục của các nhà trường được phụ huynh quan tâm. Ảnh: LV
Còn bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức chia sẻ, chọn trường THPT cho con là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Đặc biệt môi trường giáo dục của các nhà trường khi môi trường không chỉ bó hẹp trong quan hệ thầy trò mà cả những mối quan hệ khác, nhất là học sinh THPT đang ở độ tuổi muốn chứng minh khả năng mà chưa có suy nghĩ chín chắn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Lấy ví dụ tại Trường THPT Trí Đức, bà Chu Thị Hiên cho biết những tiêu chí được phụ huynh biết đến như, Trường được TP Hà Nội chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục toàn diện đợt đầu tiên, đã xếp loại cấp độ III (cấp độ cao nhất, đạt 43/46 tiêu chí); được công nhận trường chuẩn Quốc gia đợt sớm nhất của Thủ Đô; trong top 30 trên hơn 300 trường THPT có chất lượng giáo dục mạnh nhất Hà Nội và là 1 trong 6 trường THPT nội trú tốt nhất Việt Nam.
Vì vậy, để học sinh sẵn sàng cho một môi trường giáo dục, nhà trường tổ chức cho cả học sinh và phụ huynh được trực tiếp trải nghiệm môi trường giáo dục tại trường. Cùng với những câu chuyện thực tế, trường có phân tích để phụ huynh, học sinh hiểu là khi vào học, học sinh cần có những mục tiêu gì cho tương lai, cả mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cần ưu tiên mục tiêu nào trước, cần làm gì, làm như thế nào để thực hiện mục tiêu...
Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc